Căn phòng trọ của gia đình anh Nhớ.
5 người trong phòng trọ 10m2
Anh Nguyễn Văn Nhớ (35 tuổi, ở Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) được nhiều người biết đến sau khi trên mạng xã hội Facebook, TikTok đăng tải hình ảnh anh cùng con trai hơn 2 tuổi đi bán rau trên vỉa hè khiến nhiều người xúc động.
Lãnh đạo UBND phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) cho biết, tại địa phương gia đình anh Nhớ thuộc diện cận nghèo. Vợ chồng anh Nhớ có 3 người con, trong đó cháu lớn là con riêng của vợ, năm nay cháu đang học lớp 2. Hai cháu còn lại một cháu khoảng 1 tuổi, một cháu hơn 2 tuổi.
Theo lãnh đạo phường Thạch Bàn, cháu trai hơn 2 tuổi theo anh Nhớ đi bán rau bị bệnh tim đã phải mổ hai lần và bị bệnh nhiễm trùng máu. Cháu này đang được hưởng trợ cấp khuyết tật với mức 880.000/tháng.
Cậu con trai hơn 2 tuổi lúc nào cũng bám bố.
Để hiểu thêm về cuộc sống gia đình anh Nhớ, chúng tôi đã tìm đến nơi ở của gia đình anh. Căn phòng trọ rộng chừng 10m2 ở tổ 1, phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) là nơi ở của vợ chồng anh Nhớ và 3 đứa con.
Trong nhà, không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc giường tuềnh toàng, xung quanh chất đầy quần áo được cho, dưới đất để những bọc to, bọc nhỏ kín lối đi như: cà chua, khoai tây, gừng, hành. Phía ngoài cửa là mấy nải chuối xếp trên bàn cùng “đồ nghề” của hai bố con.
“Rau, củ, quả này tôi chuẩn bị để chiều mang ra phố bán. Sáng tôi tranh thủ chạy ù ra chợ lấy đồ rồi còn về trông con, thằng thứ hai nó không theo mẹ chỉ bám bố nên vất lắm”, anh Nhớ cười nói.
Bế cậu con trai hơn 2 tuổi trên tay anh Nhớ nói: “Vợ chồng tôi chỉ mất chút tiền điện thôi, còn chỗ ở này được họ thương tình cho ở nhờ”.
Bên trong căn phòng trọ của gia đình anh Nhớ.
Lấy túi thuốc cho con trai uống, anh Nhớ tâm sự, anh quê ở Phú Thọ, gia đình làm nông đơn thuần nên kinh tế không mấy dư giả, bố lại ốm đau triền miên nên mẹ anh phải chạy vạy khắp nơi chăm sóc. Hiểu được hoàn cảnh nên anh cũng lang thang khắp nơi mưu sinh.
Sau này, anh gặp và nên duyên với chị Tâm (ở Hà Nội). Trước đây, cuộc sống vợ chồng anh không đến nỗi khó khăn như bây giờ. Cả hai vợ chồng đều đi làm công nhân có mức lương đủ sống.
Biến cố xảy ra với gia đình anh Nhớ từ khi con trai thứ hai mắc bệnh tim. Đến cuối năm 2020, anh quyết định cùng vợ đưa con xuống Hà Nội chữa trị. Do con còn quá nhỏ nên vợ chồng anh Nhớ phải nghỉ làm, đưa con đi viện khiến kinh tế gia đình ngày càng eo hẹp. Hoàn tất 2 lần mổ tim cho con trai thì vào tháng 4 năm ngoái, gia đình anh lại bàng hoàng nhận tin con bị mắc bệnh nhiễm trùng máu.
"Nghe bác sĩ thông báo vợ chồng tôi suy sụp, tôi nghĩ mình chẳng còn gì để mất nữa, buồn chán, tuyệt vọng nhưng may mắn được mọi người động viên, tôi mới có động lực cố gắng đến bây giờ", anh Nhớ nói.
Thuốc của con trai anh Nhớ
Dẫn theo con đi bán rau để tiện chăm sóc
Cuộc sống của con trai anh Nhớ giờ phải duy trì truyền máu và hoá chất. Truyền máu chi phí bảo hiểm được hưởng 80%, còn hoá chất tuỳ thuộc vào các liệu trình. Gia đình anh Nhớ đã cho con làm được 3 liệu trình hoá chất hết hơn 100 triệu đồng. Mỗi lần điều trị anh Nhớ lại vay mượn gia đình hai bên nội ngoại.
Theo lời anh Nhớ, vợ chồng anh đang ở cùng với 3 con, do các cháu còn nhỏ nên rất bám bố mẹ. Hằng ngày, anh đưa con lớn đi học rồi mang rau, củ, quả, dắt theo người con thứ 2 vào trong trung tâm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bán lấy tiền sinh hoạt, mua thuốc cho con. Trong khi đó, chị Tâm ở nhà chăm con nhỏ 1 tuổi, những lúc rảnh chị đi nhặt nhạnh ve chai, rửa bát thuê hay lau nhà cho người ta để phụ chồng trang trải cuộc sống.
Anh Nhớ cùng vợ và các con.
“Cực chẳng đã tôi mới phải bán mớ rau, nải chuối kiếm đồng ra đồng vào và để có thời gian chăm sóc con. Cứ khoảng 2 tuần tôi cũng để ra được khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Còn vợ tôi mỗi ngày đi nhặt ve chai cũng được khoảng 50 nghìn, hôm nào có khách gọi lau nhà cũng được 150 nghìn”, anh Nhớ kể.
Vợ chồng anh Nhớ cũng muốn gửi bé trai hơn 2 tuổi đi học để có thời gian đi làm nhưng do cháu bị bệnh tim nên không nơi nào dám nhận.
"Cháu thứ 2 nếu không đi truyền máu thì phải có người ở cùng để theo dõi và cho uống thuốc. Mỗi ngày cháu uống hơn 10 loại thuốc nên vợ tôi không nhớ, buộc tôi phải dẫn cháu đi bán rau cùng để tiện chăm sóc. Hằng ngày, cứ 15h chiều là hai bố con tôi lại đi vào trong phố bán rau ở vỉa hè. Vợ chồng tôi cố gắng cho các cháu lớn hơn chút nữa sẽ tính làm công việc khác ", anh Nhớ nói.
Rau, củ, quả được anh Nhớ chuẩn bị để mang ra phố bán.
Dù biết dẫn con nhỏ ra đường theo bố là thiệt thòi lớn cho con nhưng anh Nhớ cho rằng, ở hoàn cảnh của anh bắt buộc phải làm như vậy. Anh Nhớ cũng ngạc nhiên khi hình ảnh của hai bố con được chia sẻ trên mạng xã hội nhưng anh cũng chẳng bận tâm. Đối với anh làm việc gì ra tiền, không vi phạm pháp luật mà lại có thời gian bên con thì anh không ngại.
"Có thời điểm vợ chồng tôi không kiếm được tiền, phải đi xin cơm ở bệnh viện để ăn qua ngày nhưng vì con, mình vẫn phải chịu đựng để vượt qua. Người dân xung quanh, chính quyền cũng giúp đỡ vợ chồng tôi rất nhiều nên mới được như bây giờ", anh Nhớ xúc động nói.
Quỳnh An