Những người tiễn đưa hàng nghìn người về cõi vĩnh hằng

Những người tiễn đưa hàng nghìn người về cõi vĩnh hằng

Thứ 3, 16/07/2013 13:36

Hơn 30 năm trôi qua, 21 thành viên của đội tang ma miễn phí Phước Thiện ở phường 16 (quận 4, TP.HCM) vẫn làm những chuyện không giống ai, chạy đôn chạy đáo mọi ngõ ngách tại TP.HCM để lo cho các vong hồn bất hạnh trong cuộc sống từ giã trần thế.

"Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng"

Xuất phát từ tấm lòng "nghĩa tử là nghĩa tận", có người đạp xe ba gác, xích lô, người làm phụ hồ, người bán vé số... vất vả mưu sinh để kiếm từng miếng cơm manh áo nhưng chỉ cần nhận được tin báo có người chết vô thừa nhận là mọi người tức tốc lên đường.

Ông Bùi Văn Oanh (SN 1948, tức Ba Oanh, tổ trưởng tổ tang ma miễn phí Phước Thiện) chia sẻ: "Những phận đời lam lũ, không may trong cuộc sống lại thường hay ra đi vào lúc nửa đêm. Bình thường vốn dĩ cuộc sống đã khổ đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng khổ. Nửa đêm, anh em đang ngon giấc nhưng nhận được tin báo từ một ai đó về người chết vô gia cư, vô thừa nhận mọi người lại gắng thức dậy khoác vội bộ quần áo chạy đến nơi làm lễ mai táng cho người đã khuất".

Xã hội - Những người tiễn đưa hàng nghìn người về cõi vĩnh hằng

Đội tang ma miễn phí Phước Thiện đưa người quá cố về nơi an nghỉ.

Đối với người chết ngoài đường, ngoài chợ, mọi người sẽ tiến hành làm lễ ngay ngoài đường. Lúc trời vừa sáng, mọi thủ tục chuẩn bị cho quá trình mai táng cũng xong xuôi. Không ai bảo ai, ai vào việc nấy. Khổ nhất vẫn là những ngày giáp Tết, người dân kiêng kị tang ma nên các thành viên trong đội không một ai dám đi vận động từ thiện để xin hòm. Lúc đó, mọi người ngồi lại bàn bạc tự nguyện bỏ ra những đồng tiền ít ỏi để gom góp mua áo quan cho người đã khuất.

30 năm trôi qua, đội tang ma miễn phí Phước Thiện không thể nhớ nổi đã từng mai táng cho bao nhiêu phận đời hẩm hiu, bất hạnh ở chốn Sài thành và một số tỉnh thành lân cận. Chỉ biết rằng, hiện nay tại nhà ông Ba Oanh đang lưu giữ hơn 1.300 hồ sơ của những người đã khuất. Trăn trở về nghề "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", ông Ba Oanh kể: "Ngẫm lại thấy bạc lắm. Đôi khi người ngoài không hiểu họ mỉa mai, chê bai, khinh khi đủ điều. Ngay cả vợ con ban đầu còn không chấp nhận nữa là... Nhưng nhiều năm trôi qua, vợ con hiểu ra nên các bà, các cô, cũng cảm thông và động viên để anh em có chỗ dựa tinh thần vượt qua mọi dè bỉu, thị phi của xã hội".

Nhớ lại những lần đối mặt với sự khinh khi, miệt thị của miệng đời các thành viên trong đội tang ma Phước Thiện không khỏi chạnh lòng: "Nhiều khi đi xin quan tài, người hiểu chuyện họ vui vẻ gật đầu. Thậm chí còn chỉ chỗ, nhờ cậy người này, người kia xin giúp. Đổi lại, gặp nhà khó tính, hiểu lầm thì thành viên đội mai táng Phước Thiện phải hứng chịu những lời độc miệng chua chát, "Cha mẹ chết hay sao mà đi xin hòm hoài vậy?". "Đi xin hòm về bán kiếm lời hả?...”. Những lúc như thế chúng tôi chỉ biết im lặng rồi tự nhủ, đôi khi cuộc đời bạc bẽo nhưng việc thiện sẽ không đơn độc khi xã hội còn những người tốt.

Điển hình như cô Sương mỗi tháng lại nhờ chồng mang đến cho đội 20 bộ áo quan; anh Nguyễn Hoàng Thanh ở đường Ông Ích Khiêm (phường 5, quận 11) hay anh Vinh ở quận 5 thỉnh thoảng lại ủng hộ một chút lòng thành để mua hòm nhưng chưa bao giờ cho chúng tôi biết mặt, biết nhà".

Làm phước cho người dưng, nhiều người tin nhưng cũng lắm kẻ ngờ. Mặc dù vậy,  những năm tháng qua, 21 thành viên của đội tang ma miễn phí Phước Thiện không bao giờ để cho người chết phải chịu cảnh không hòm chiếu. Ông Nguyễn Văn Số (76 tuổi, thành viên của đội) tâm niệm: "Khi còn sống, con người ta có gây ra bao nhiêu tội lỗi, dù là trộm cắp, giết người, nghiện ngập ma túy... thì lúc trút hơi thở cuối cùng tất cả chỉ là hư không. Chúng tôi luôn cố gắng trong khả năng có thể để làm ma chay cho họ cẩn thận, cho vong hồn người chết được siêu thoát".

Xã hội - Những người tiễn đưa hàng nghìn người về cõi vĩnh hằng (Hình 2).

Tổ trưởng tổ tang ma miễn phí Bùi Văn Oanh (người mặc áo đen bên phải) đang cùng đồng đội tình nguyện làm việc thiện cho người đã khuất.

Nặng lòng với những mảnh đời bất hạnh

Đạo lý nghĩa tử, nghĩa tận

Một hoàn cảnh khác không kém phần bi thương đó là vào buổi chiều muộn ngoài trời mưa tầm tã, các anh em trong đội mai táng vẫn miệt mài làm việc ở mọi ngả đường Sài Gòn. Đúng lúc đó tổ trưởng Ba Oanh nhận được một cuộc điện thoại báo ở phường bên cạnh có một người bị bệnh AIDS vừa qua đời nhưng không có ai lo hậu sự. Không một chút chần chừ ông Ba Oanh gọi điện thông báo cho anh em trong đội chuẩn bị nhang đèn, trang phục đến hiện trường. Trông hình hài người chết biến dạng, ai cũng sợ không dám đến gần nhưng các thành viên trong đội mai táng vẫn  bắt tay vào làm vệ sinh, thay áo quần, khâm liệm và tiến hành các thủ tục tang lễ để tiễn đưa vong linh người đã khuất.

Với quan niệm, "người chết chẳng biết hại ai bao giờ, cớ sao chúng tôi không yêu thương họ?" nên bất kể người già, trẻ em vô thừa nhận là đội tang ma miễn phí Phước Thiện đều dang tay bao bọc. Hơn 1.300 lần các thành viên đội tổ chức tiễn biệt người quá cố về cõi vĩnh hằng cũng là từng ấy lần trái tim của họ đau nhói trước những phận đời lam lũ. Dẫu không được đào tạo qua trường lớp nhưng đám tang nào đội tang ma Phước Thiện cũng chuẩn bị đầy đủ nhang, hòm, cờ phướn và đội bát âm. Những phận đời bần cùng, khốn khổ ấy khi rời cõi tạm trong đơn côi đều được 21 con người này dành cho một tình yêu thương bao la vô tận.

Lần trong ký ức, ông Ba Oanh bùi ngùi nhớ lại một hoàn cảnh thương tâm từ Hà Tĩnh vào Sài Gòn mưu sinh từ năm 2009. Đó là câu chuyện đau lòng của cặp vợ chồng quê Hà Tĩnh. Người chồng đi bán vé số, vợ rửa chén thuê ở các nhà hàng. Cuộc sống khổ cực lặng lẽ cứ thế trôi qua. Bất ngờ một ngày người chồng đang bán vé số bị đột qụy, ngã lăn ra đường chết. Chủ nhà trọ sợ xui xẻo không cho người vợ đem thi thể chồng vào phòng trọ làm ma chay. Một mình bơ vơ nơi đất khách, cô vợ đã tìm đến đội tang ma miễn phí Phước Thiện xin giúp đỡ. Trước tình cảnh này, các thành viên trong đội đứng ra thuyết phục chủ nhà trọ. Sau một hồi phân tích lý lẽ, chủ nhà trọ chỉ cho phép giăng bạt ngoài sân để tiến hành khâm liệm rồi nhanh chóng đưa thi thể về quê an táng.

"Chứng kiến số phận hẩm hiu của đôi vợi chồng nghèo, chúng tôi tự nhủ phải lo chu toàn các thủ tục và chi phí ma chay rồi đưa nạn nhân xấu số về tận Hà Tĩnh chôn cất. Ba năm sau, người vợ cùng với cô con gái hơn 10 tuổi tìm đến nhà tôi quỳ lạy để cảm ơn ơn nghĩa các thành viên đội mai táng. Đó là câu chuyện buồn nhất trong cái nghiệp nhặt xác của những người đưa đò về bến biệt ly", ông Ba Oanh nhớ lại.

Không biết còn bao nhiêu số phận khốn khổ đang chờ những con người như họ dang tay giúp đỡ, nhưng với các thành viên trong đội tang ma Phước Thiện, khi nào còn sức khỏe tức là ngày đó còn làm nghề đưa đò cho những linh hồn đã khuất. Bởi họ luôn tâm niệm có một người nghèo khổ không may từ giã cõi đời này nếu không được lo chu toàn, họ sẽ ăn không ngon ngủ không yên, cứ như là định mệnh vậy.                         

Việc nghĩa

Ông Ba Oanh cho biết: "Cám cảnh người cha già đã khuất trong hoàn cảnh thiếu thốn, lại càng thương cho người nghèo khổ chết đi không được mai táng tử tế. Tôi quyết tâm thành lập đội mai táng từ thiện để an ủi phần nào vong linh người từ giã trần thế. Phải mất gần 20 năm tôi mới mua đủ quần áo, đạo, tỳ, kèn trống... cho đội mai táng để phục vụ tang ma. Lần đầu tiên mang đồ tang về nhà, vợ tôi phát hoảng dùng chổi quét ra ngoài vì bà cho đó là điềm rủi. Để thuyết phục vợ thuận theo ý mình, đêm nào tôi cũng đem chuyện của cha ra tỉ tê, lấy dẫn chứng những mảnh đời bất hạnh kể cho vợ nghe. Cuối cùng bà ấy cũng đồng ý cho tôi theo nghề này. Giờ đây, cả con rể lẫn cháu ngoại tôi đều là thành viên của đội mai táng miễn phí Phước Thiện".

Quyên Triệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.