Cuộc khủng hoảng "bùng nổ" dẫn đến chính biến ở Ukraine

Chủ nhật, 14/08/2022 18:53

Bắt nguồn từ việc Tổng thống Ukraine từ chối ký hiệp định liên kết với EU, hoạt động biểu tình ôn hòa đã diễn ra nhưng sau đó chuyển thành bạo lực, dẫn đến cuộc chính biến "Maidan" - đưa các nhân vật thân phương Tây lên lãnh đạo Ukraine.

img

Biểu tình diễn ra ở Ukraine cuối năm 2013, đầu năm 2014 bắt nguồn từ việc Tổng thống Ukraine từ chối ký hiệp định liên kết với EU.  Ảnh: Nessa Gnatoush

Bối cảnh

Năm 1991, Ukraine tuyên bố độc lập. Quá trình xây dựng quốc gia ở Ukraine - một đất nước gồm nhiều dân tộc, có lịch sử đa dạng, nằm giữa Nga và châu Âu - đã định hình đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị của nước này.

Theo cuốn Ukraine: Birth of a Modern Nation (tạm dịch: Ukraine: Sự ra đời của một quốc gia hiện đại) của sử gia Serhy Yekelchyk (Canada), kinh tế Ukraine những năm 1990 rất bất ổn. Vào cuối thập kỷ đó, nền kinh tế Ukraine chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn trước năm 1991. Sự hỗn loạn ở Ukraine những năm 1990 tạo điều kiện cho một số cá nhân độc quyền về kinh tế và chính trị.

Cuộc bầu cử vào tháng 1/2005 với chiến thắng dành cho ứng viên Viktor Yushchenko - một người thân phương Tây - dấy lên kỳ vọng rằng tình hình trong nước sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, chính phủ Yushchenko có những đấu đá nội bộ. Tới tháng 2/2010, Viktor Yanukovych được lựa chọn làm Tổng thống Ukraine.

Trong giai đoạn giữa cuộc bầu cử mà ông Yanukovych giành chiến thắng và cuộc chính biến "Maidan" (hay Euromaidan), nền dân chủ Ukraine bị phá vỡ, nhà nước pháp quyền bị phá hoại và nền kinh tế đầy bất ổn do quản lý sai lầm.

Cuối năm 2013, Ukraine đối mặt với tình trạng phá sản. Tổng thống Yanukovych và Thủ tướng Azarov khi đó quyết định đề nghị Nga hỗ trợ tài chính thay vì EU hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ngày 21/11/2013, chính quyền Yanukovych-Azarov tuyên bố Ukraine không ký hiệp định liên kết với EU - vốn được đặt trên bàn đàm phán từ lâu và khi đó dự kiến ký vào ngày 28/11.

Đây là lý do khởi nguồn của cuộc chính biến “Maidan” ở Ukraine, với 4 giai đoạn.

Giai đoạn I: “Không thỏa thuận” 

"Không thỏa thuận" là tiêu đề nổi bật trên các tờ báo Ukraine vào ngày 21/11/2013. Tiêu đề trên đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chính biến sẽ khiến Maidan Nezalezhnosti (quảng trường Độc lập) ở thủ đô Kiev trở thành "điểm nóng nhất" trong 4 tháng mùa đông ở Ukraine.

Vào ngày 21/11/2013, chính phủ Ukraine, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Viktor Yanukovych, Thủ tướng Mykoly Azarov và đảng Các Khu vực, từ chối ký thỏa thuận liên kết "mang tính bước ngoặt" với EU.

Tối hôm đó, khoảng 2.000 người, chủ yếu là sinh viên, hưởng ứng lời kêu gọi trên mạng xã hội đã đổ dồn tới quảng trường Độc lập mang theo cờ Ukraine và EU để biểu tình ôn hòa.

Lãnh đạo của 3 đảng đối lập trong quốc hội Ukraine khi đó là Arseniy Yatseniuk (đảng Tổ quốc), Vitali Klitschko (đảng Liên minh Cải cách dân chủ Ukraine) và Oleh Tiahnybok (đảng Tự do) cũng hòa vào dòng người biểu tình và kêu gọi một cuộc biểu tình lớn hơn vào ngày 24/11.

Cuộc biểu tình ngày 24/11 để phản đối quyết định của chính phủ Ukraine thu hút hơn 100.000 người tới quảng trường Độc lập. Đây được xem là cuộc biểu tình ôn hòa với số lượng người tham gia lớn nhất kể từ năm 2005.

Phong trào biểu tình ôn hòa bắt đầu từ ngày 21/11 được biết đến với tên gọi "Maidan" hay "Euromaidan" theo các hashtag trên Twitter. Mục đích ban đầu của "Euromaidan" là tìm cách thuyết phục Tổng thống Yanukovych thay đổi cách nhìn nhận và đồng ý ký thỏa thuận liên kết với EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Lithuania (khi đó dự kiến kết thúc ngày 29/11).

Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào được ký kết vào phút cuối. Những người tổ chức biểu tình và lãnh đạo các đảng đối lập kêu gọi người dân tập trung loại bỏ chính quyền của ông Yanukovych một cách hòa bình trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2015.

Theo kế hoạch, cuộc biểu tình quy mô lớn ngày 1/12/2013 sẽ là hoạt động kết thúc của phong trào "Euromaidan". Tuy nhiên, các sự kiện bất ngờ vào ngày 30/11 năm đó đã cho thấy điều ngược lại. Thực tế, đây mới chỉ là khởi đầu của cuộc chính biến Maidan.

Vào lúc 4h sáng 30/11, lực lượng cảnh sát chống bạo động Berkut (Ukraine) đã đánh đập hàng trăm người biểu tình ôn hòa ở quảng trường Độc lập, khiến 36 người bị thương nặng.

Vụ việc châm ngòi cho sự phẫn nộ của người dân Ukraine đối với chính quyền Yanukovych-Azarov. Khoảng 20.000 người biểu tình tại thành phố Lviv và 10.000 người khác ở thủ đô Kiev đã đổ ra đường, bất chấp các lệnh cấm của chính phủ về hoạt động biểu tình ở các quảng trường công cộng.

"Ukraine, thức tỉnh!", những người biểu tình hô vang khẩu hiệu và lời kêu gọi của họ được đáp lại với khoảng 350.000 người tới quảng trường Độc lập để biểu tình vào ngày 1/12.

Khuya 1/12, cuộc biểu tình chuyển từ ôn hòa thành bạo lực khi 20.000 người biểu tình cố chiếm Văn phòng Tổng thống và bị cảnh sát chống bạo động đẩy lui bằng dùi cui, hơi cay và bom xăng. Các rào chắn được dựng lên quanh quảng trường Độc lập. Những người biểu tình chiếm giữ tòa thị chính và các tòa nhà xung quanh, biến chúng thành "trụ sở cách mạng".

Giai đoạn II: Biểu tình rầm rộ

Cuộc biểu tình quy mô lớn ở Kiev ngày 1/12/2013 có khoảng 350.000 người tham gia. Bên cạnh đó, nhiều cuộc biểu tình khác chống chính phủ Ukraine cũng diễn ra cùng ngày, đánh dấu sự phát triển của chính biến Maidan.

Sau đó một ngày, người dân ở các thành phố Lviv, Ternopil, và Ivano-Frankivsk tuyên bố tổng đình công để hưởng ứng các cuộc biểu tình chống chính phủ Ukraine. Điều mà nhiều người Ukraine cùng nhận thấy là tình trạng tham nhũng, lạm dụng quyền lực trong chính phủ khi đó.

Tuy nhiên, điều khiến họ xuống đường biểu tình là niềm tin rằng hành động tập thể của họ có thể dẫn đến các thay đổi thực tế. Chính quyền Yanukovych-Azarov không quan tâm đến việc thỏa hiệp với người biểu tình và các đảng chính trị đối lập.

Ngày 3/12, chính phủ của Thủ tướng Azarov "thoát hiểm" trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Những người biểu tình vẫn tiếp tục hoạt động. Ngày 8/12, có tới hơn 500.000 người tập trung ở Kiev để biểu tình.

Đêm 11/12 được xem là "đêm kháng chiến" và củng cố quyết tâm của người biểu tình. Trước đó, cảnh sát chống bạo động Berkut không thể giải tán đám đông biểu tình ôn hòa ở quảng trường Độc lập.

Tổng thống Yanukovych ngày 1/12 từng nói rất "phẫn nộ" trước sự tàn bạo mà cảnh sát chống bạo động gây ra với người biểu tình ôn hòa trong ngày 30/11 và kêu gọi người dân đoàn kết. Dẫu vậy, những lời nói này không được cụ thể hóa bằng hành động.

Ngày 17/12, ông Yanukovych ký "kế hoạch hành động Nga - Ukraine", trong đó Moscow hứa sẽ hỗ trợ Kiev khoản nợ 15 tỷ USD và giảm 1/3 giá khí đốt tự nhiên xuất khẩu sang Ukraine.

Tại cuộc biểu tình ngày 22/12, các đảng đối lập tuyên bố rằng họ sẽ thành lập "Liên minh Nhân dân Maidan". Đêm giao thừa năm 2014, khoảng 200.000 người Ukraine tập trung ở quảng trường Độc lập và hát quốc ca. Ngày 1/1/2014, khoảng 15.000 người tham gia cuộc rước đuốc ở Kiev.

img

Cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Kiev tháng 2/2014. Ảnh: Wikimedia Commons

Theo CRF, phần lớn người Ukraine ủng hộ chính biến "Maidan" dù họ có trực tiếp xuống đường biểu tình hay không.

Nhiều mạng lưới được thiết lập để cung cấp các khoản quyên góp, thực phẩm, nước uống cho người biểu tình trong chính biến "Maidan". Trong khi đó, đội ngũ tiếp viện cho cảnh sát bị người biểu tình ngăn cản tiếp cận Kiev.

Bất chấp quy mô và thời gian của các cuộc biểu tình trong chính biến "Maidan", tới giữa tháng 1/2014, các cuộc biểu tình ôn hòa không dẫn đến bất kỳ thay đổi nào trong chính phủ.

Chính quyền Yanukovych-Azarov không quan tâm đến việc thỏa hiệp với người biểu tình và các đảng đối lập. Thay vào đó, họ tận dụng cơ quan thực thi pháp luật và tòa án để được hưởng các phán quyết có lợi.

Khoảng 5.000 - 10.000 người biểu tình vẫn quyết "bám trụ" tại quảng trường Độc lập ở Kiev, cam kết "lật đổ" chính phủ vì "sự trung thực và tương lai".

Tuy nhiên, số lượng người tham gia các cuộc biểu tình đã giảm rõ rệt. Ngày 12/1, chỉ còn khoảng 10.000 người tham gia biểu tình. Điều này cho thấy, người biểu tình dần mất niềm tin về việc hành động tập thể của họ sẽ mang lại sự thay đổi. Ngày 16/1, quốc hội Ukraine thông qua một loạt các biện pháp "nghiêm khắc" hạn chế việc tụ tập đông người.

Giai đoạn III:  Tình hình mất kiểm soát

Dự thảo luật chống biểu tình được thông qua ngày 16/1 và ký thành luật một ngày sau đó, nhằm tìm cách chấm dứt cuộc chính biến "Maidan". Trên thực tế, luật này hình sự hóa các phương pháp của đảng đối lập và loại bỏ các cuộc hội họp đông người ở Ukraine.

Một cuộc biểu tình vẫn diễn ra ngày 19/1, bất chấp các luật nghiêm khắc mới vừa đưa ra. Đây là buổi biểu tình thứ 9 liên tiếp trong các ngày chủ nhật. Khác với các cuộc biểu tình trước đó, sự thất vọng của người biểu tình không chỉ dành cho chính phủ mà còn nhằm vào lãnh đạo các đảng đối lập. Đám đông cáo buộc các lãnh đạo đối lập "nói nhiều hơn làm" và la ó họ.

Tinh thần của chính biến "Maidan" thay đổi đáng kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 11/2013. "Maidan" không còn là một cuộc biểu tình ôn hòa, mà là "cuộc nổi dậy của người dân". Bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát vẫn xảy ra. Khu vực "trụ sở cách mạng" vẫn nằm trong tay người biểu tình.

Thừa nhận đang mất kiểm soát tình hình, Tổng thống Yanukovych hôm 28/1 thu hồi luật chống biểu tình và cách chức Thủ tướng Azarov, người sau đó rời Ukraine tới Áo.

"Các thỏa hiệp" của ông Yanukovych không được Moscow đánh giá cao. Nga sau đó áp lệnh trừng phạt với Ukraine và dừng gói viện trợ 15 tỷ USD.

Những người biểu tình và Tổng thống Yanukovych vẫn giữ quan điểm của mỗi bên và không bên nào chịu lùi bước.

Tuy nhiên, ngày 17/2/2014, người biểu tình đã trả lại các tòa nhà thuộc 3 bộ mà họ chiếm hồi tháng 1 cho chính phủ Ukraine. Đây được xem là dấu hiệu có vẻ hai bên đang dần tiến tới một thỏa hiệp.

Nhưng thay vì đưa ra các cuộc đàm phán với người biểu tình, Tổng thống Yanukovych đưa ra tối hậu thư, yêu cầu họ phải rời quảng trường Độc lập trước 18h ngày 18/2.

Từ ngày 19/2 đến ngày 21/2, các cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất xảy ra ở trung tâm thủ đô Kiev. Ngày 19/2, Cơ quan An ninh Ukraine tuyên bố bắt đầu hoạt động "chống khủng bố", cho phép cảnh sát sử dụng đạn thật chống người biểu tình. Tổng thống Yanukovych thay thế người đứng đầu Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine và tuyên bố triển khai các lực lượng vũ trang nếu Kiev ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trong đợt ra quân đầu tiên, cảnh sát chống bạo động không chiếm được "trụ sở cách mạng". Người biểu tình phản công và diễu hành về phía tòa nhà quốc hội Ukraine. Theo trang Inquiries Journal, 26 người thiệt mạng ngày 19/2. Một thỏa thuận ngừng giao tranh được công bố nhưng chưa đầy 12 giờ sau, giao tranh lại xảy ra ở thủ đô Kiev. Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về việc vi phạm thỏa thuận. Ít nhất 20 người khác thiệt mạng trong ngày 20/2.

Giai đoạn IV:  Thời khắc quyết định

Ngày 21/2, một người biểu tình leo lên sân khấu ở quảng trường Độc lập và cảnh báo, nếu Tổng thống Yanukovych không từ chức vào 10h ngày hôm sau, một cuộc đảo chính có vũ trang sẽ diễn ra.

"Hoặc là ông ta từ chức, nếu không hãy để chúng tôi tiễn ông ta", người biểu tình gào lên trước đám đông.

Khi màn đêm buông xuống, quảng trường Độc lập rực sáng khi 50.000 người giơ cao bật lửa và thắp nến tưởng nhớ 82 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chính biến "Maidan" bắt đầu vào tháng 11/2013. Những người biểu tình đứng quanh các chướng ngại vật và sẵn sàng liều mạng nếu ông Yanukovych không từ chức.

Tuy nhiên, sáng 22/2, ông Yanukovych cùng các bộ trưởng không còn trong dinh tổng thống. Lực lượng cảnh sát bảo vệ dinh tổng thống và các tòa nhà chính phủ gần đó cũng không thấy bóng dáng. Những người biểu tình có vũ trang kiểm soát Kiev trong hòa bình và đứng canh gác bên ngoài trong khi quốc hội bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yanukovych, người bỏ trốn ra nước ngoài.

Trong 2 ngày 22/2 và 23/2, quốc hội Ukraine thông qua một số quyết định: Trả tự do cho ông Yulia Tymoshenko ngay lập tức, ông Oleksandr Turchynov - phó chủ tịch đảng Tổ Quốc - được bổ nhiệm làm tổng thống lâm thời, ông Arseniy Yatseniuk - lãnh đạo đảng Tổ Quốc - làm thủ tướng lâm thời và hiến pháp năm 2004 được khôi phục.

Thủ tướng tạm quyền Yatseniuk thông báo Ukraine sẽ sớm ký hiệp định liên kết với EU trong thời gian sớm nhất. Chính biến "Maidan" kết thúc.

-------------------------

Donbass là một vùng bao trùm phần lớn miền đông Ukraine, đồng thời là tuyến đầu trong cuộc xung đột giữa Ukraine và các lực lượng ly khai thân Nga kể từ năm 2014. Vì sao khu vực này được cả Nga và Ukraine rất coi trọng. Mời độc giả đón đọc chi tiết trong bài kỳ tới đăng trên mục Thế giới lúc 19h ngày 15/8.

Nguyễn Thái (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.