Suốt 10 năm qua, cụ Nguyễn Thị Nhời (74 tuổi) tự mưu sinh bằng nghề chèo thuyền vớt các loại ve chai do người dân vứt xuống, trôi nổi trên trên rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Người dân đi qua các cây cầu trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Tất Tố bắc qua khu vực hạ nguồn dòng kênh, dễ dàng bắt gặp cụ bà đơn độc giữa dòng kênh hay len lỏi hai bên bờ để tìm vớt ve chai. Từ miền Bắc cụ Nhời cùng gia đình vào Nam lúc 3 tuổi, mưu sinh với nghề chài lưới. Theo nghiệp cha mẹ, cụ gắn bó với sông nước, đến bây giờ chưa một lần lên bờ.
Theo cụ Nhời, ngày xưa cụ đi khắp sông Sài Gòn giăng lưới bắt cá đem ra chợ bán. Khoảng chục năm nay do sức yếu dần nên cụ không đi xa bắt cá được, kênh rạch gần thì ô nhiễm, ít tôm cá nên chuyển sang vớt ve chai trên dòng kênh này để mưu sinh qua ngày.
Từ sáng sớm hàng ngày, cụ Nhời chèo thuyền ven bờ hai bên dòng kênh, len lỏi vào các bụi cây, thảm lục bình nhặt những vỏ chai nhựa hay bất kỳ thứ gì trôi nổi có thể bán được. “Khi nước lên, chai lọ thường trôi dạt và mắc vào hai bên bờ kênh nên tôi phải vừa chèo thuyền vừa quan sát, tiếp cận để nhặt”, người phụ nữ 75 tuổi cho biết.
Một số chai nhựa cuộn vào tấm lưới cũ bị vớt bỏ được cụ Nhời nhanh chóng vớt lên, sau đó thả thuyền tự trôi, dùng dao cắt bỏ lưới thể thu lượm. Cụ tiếp tục mái chèo, ngó nghiêng trên mặt nước, bụi cây cỏ để tiếp tục tìm những thứ có thể nhặt được.
Những món cụ hay nhặt được là lon bia, lon nước ngọt, chai nước nhựa hay can nhựa đựng thực phẩm. Nhiều vỏ chai nhựa nửa chìm nửa nổi, lâu ngày thường bị bám bùn đất nên phải rửa qua hoặc mang về làm sạch một lần mới bán được.
Sau nhiều giờ chèo thuyền nhặt vớt, khoang chứa khá nhiều ve chai, cụ bà chèo thuyền trở về chòi. “Con rạch này cứ sáng ra là xuất hiện nhiều rác, đồ nhựa do người dân sinh sống hai bên đông đúc. Sức khoẻ không cho phép để nhặt hết, nên thấy đủ là tôi về”, cụ Nhời nói.
Trên đường về thời điểm gần trưa, cụ bà tranh thủ hái ít rau muống xanh mơn mởn giữa rạch gần nhà. Cụ cho biết, đây là rau muống do cụ trồng, chăm sóc dùng để hái ăn nên đỡ phải mua rau. Thỉnh thoảng cụ cắt một ít ra chợ bán kiếm chút tiền.
Cụ Nhời kể, thủa nhỏ phải đi ở đợ, không được đi học nên chưa biết chữ. Đến năm 19 tuổi lập gia đình và có 3 đứa con. Năm 27 tuổi cha mẹ mất, chồng bỏ về quê rồi mất liên lạc. Từ đó cụ một mình làm nghề cá ở chợ Thị Nghè nuôi con. “Tôi có 3 đứa con nhưng hai đứa con gái bạc mệnh mất sớm vì té sông và bệnh tật. Giờ còn con trai và hai cháu nội, hiện cũng đi làm thuê làm mướn trên bờ”, cụ bà buồn nói.
Nơi ở của cụ là căn chòi dựng bên rạch Văn Thánh, người qua cầu Văn Thánh 2 trên đường Nguyễn Hữu Cảnh có thể nhìn thấy cách khoảng hơn 100m. Chòi được dựng 20 năm nay, biệt lập với khu dân cư trên bờ. Do ba mặt là nước nên cụ di chuyển qua lại bằng thuyền thúng, khách đến phải chèo thuyền ra đưa đón. Bên cạnh là đống ve chai nhiều ngày bà nhặt, gom góp, phân loại được phủ bạt. Mỗi tháng bà mang lên bờ bán một lần, được khoảng 500.000 - 600.000 đồng.
“View” cửa sổ chòi nhìn ra kênh với công trình tuyến metro số 1 đoạn trên cao, cách xa khoảng 300m là khu chung cư cao cấp bên sông Sài Gòn. Bà cho biết, từ nhỏ gia đình cụ sống trên chòi những khu nhà ổ chuột lấn kênh Thị Nghè. Khi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo, số tiền đền bù không đủ mua nhà nên cụ Nhời lại tiếp tục gắn bó với kênh nước.
Căn chòi dựng bằng cọc bê tông và gỗ, quây tôn cùng tấm ván xung quanh rộng chưa đến 10m2, bên trong ngổn ngang đồ đạc cụ bà nhặt được. Trời mưa dột chỗ nào cụ đi xin bạt trên bờ để che lại chỗ đó. Đồ dùng đắt tiền nhất là chiếc tủ lạnh được tặng đã hư hỏng cùng vài đồ điện gia dụng sử dụng hàng ngày nhặt về đem sửa dùng lại.
Nước sinh hoạt chủ yếu dùng nước mưa bà tích trữ từ một số xô đặt bên ngoài để tắm rửa, thỉnh thoảng bà mua từ người dân trên bờ để ăn uống. Điện dùng ké hàng xóm và trả 80.000 đồng một tháng.
Trở về chòi, cụ bà 75 tuổi vẫn thoăn thoắt với công việc hàng ngày. Mỗi ngày chỉ ăn duy nhất một bữa vào đầu giờ chiều. Bà nấu đồ ăn bằng bếp củi với những bữa ăn đơn giản, nhiều hôm chỉ có mỗi đĩa rau luộc.
Sau những bữa trưa, buổi tối nếu không lên bờ trò chuyện với hàng xóm, đi nhà thờ, cụ bà thường quanh quẩn trong chòi, ngả lưng và giải trí với chiếc radio hay vui chơi với những chú chó, chú mèo. Sau nghỉ ngơi cụ lại rửa lại ve chai, phân loại để gom bán.
Cuộc sống của cụ Nhời bao năm qua cứ bình yên ngày qua ngày trên chiếc chòi và chiếc thuyền nhỏ lênh đênh theo mái chèo mưu sinh. “Con cái ở trọ trên bờ, muốn tôi dọn lên ở cùng nhưng cuộc sống chúng nó cũng khó khăn mình không nỡ làm phiền. Tôi còn sức nuôi bản thân nên càng không muốn phụ thuộc ai cả, chỉ mong có sức khoẻ để sống vui, bình an nốt tuổi già thôi”, cụ Nhời tâm tư.
Hồng Lam