Cuộc“vượt cạn” của con hà mã khiến cả nước nín thở

Cuộc“vượt cạn” của con hà mã khiến cả nước nín thở

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Các chuyên gia nước ngoài cũng ngạc nhiên về ca sinh sản đặc biệt này.

Sau nhiều giờ lăn lộn, ngày 2/7, hà mã cái 1,5 tấn đã hạ sinh một hà mã con nặng 24 kg trong môi trường bán hoang dã mà không cần tới sự can thiệp của con người. Trước đó, nhân viên Vườn thú khu du lịch Đại Nam hết sức bất ngờ khi “cô” hà mã duy nhất ở Việt Nam được đem về từ Trung Đông nằm im, bụng phình to bất thường. Nhân viên tại đây cấp báo lên cấp trên hà mã mẹ sắp sinh con. Tất cả mọi người trong vườn thú đều lao đến để chứng kiến ca sinh có một không hai này.

Xã hội - Cuộc“vượt cạn” của con hà mã khiến cả nước nín thở

Con hà mã sinh sản duy nhất ở Việt Nam

Cuộc hành trình ngàn dặm từ Trung Đông

Để tìm hiểu về cuộc “vượt cạn” đặc biệt này, chúng tôi đã lên đường tìm đến Vườn thú khu du lịch Đại Nam (Bình Dương). Đến thời điểm này, sau hơn một tuần diễn ra sự việc, nhiều người dân, nhân viên vườn thú vẫn còn bán tán xôn xao. Tiếp chúng tôi là ông Dương Thanh Phi, giám đốc vườn thú. Người đàn ông này tỏ ra vui mừng vì từ trước đến nay, ở Việt Nam, trường hợp “cô” hà mã sinh con trong vườn thú của ông là duy nhất.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Phi kể về chuyến hành trình đi mua hà mã của vườn thú. Hà mã mẹ được sinh ra tại Israel (khu vực Trung Đông). Vào năm 2008, tại Trung tâm nghiên cứu động vật hoang dã Israel, con hà mã mẹ vừa sinh ra được ba tháng thì Công ty cổ phần Đại Nam đã đăng ký mua về cùng với một con hà mã đực. Công ty phải làm biên bản cam kết với đối tác là sẽ nuôi dưỡng và chăm sóc thật tốt hai con vật này thì mới được họ đồng ý. Tuy nhiên, chặng đường về của cặp hà mã cũng vô cùng khó khăn. Công ty Đại Nam phải mất gần một tháng để hoàn thành thủ tục khắt khe giữa hai chính phủ. Sau đó, hai con hà mã được định giá 39.000 USD.

Ông Dương Thành Phi chia sẻ, doanh nghiệp hay cá nhân muốn mua một cá thể động vật ở một nước khác, nhất là những động vật quý hiếm phải tuân thủ những quy định hà khắc của tổ chức Bảo vệ động vật ở các quốc gia sở tại. Vì khi bán động vật hoang dã, thông thường họ sẽ giao luôn quy trình chăm sóc con vật đó cho phía mua. Thậm chí, họ còn bay sang Việt Nam, nghiên cứu kỹ lưỡng thực địa, bộ máy quản lí, bộ máy nhân viên, bác sĩ chăm sóc.... Khi thấy tất cả các yếu tố cần thiết thích hợp cho việc nuôi dưỡng thì họ mới đồng ý “xuất hàng”.

Đối với hai con hà mã này, sau khi phía nước bạn bàn giao đã cử hai nhân viên nước ngoài sang công ty Đại Nam giám sát cả tháng trời. Công việc này chỉ để chuyển giao quy trình chăm sóc cho vườn thú. Việc làm này khiến cả vườn thú Việt Nam và nước ngoài yên tâm hơn.

Chi phí vận chuyển đắt hơn giá mua

Vị giám đốc vườn thú cũng cho biết thêm, hai chú hà mã trên là trường hợp duy nhất mà một vườn thú này được nhập về Việt Nam bằng đường hàng không. Thời điểm đó là 7/2008. Tuy nhiên, khó khăn và phức tạp nhất vẫn là công tác vận chuyển hà mã. Khi mua về vườn thú, hai con hà mã này còn khá nhỏ. Chúng chỉ nặng khoảng 300kg/con và được vận chuyển bằng máy bay chuyên cơ về Thái Lan. Sau đó từ Thái Lan, công ty Đại Nam mới chung chuyển bằng đường bộ qua Lào về Quảng Trị và chuyển về tới vườn thú. Vì thế chi phí vận chuyển còn đắt hơn so với giá thành mua chúng.

Tính tới thời điểm này, cặp hà mã ở Vườn thú Đại Nam được hơn bốn năm tuổi. Ông Phi cho hay, trong môi trường tự nhiên, khi loại động vật này được hơn ba tuổi là có thể sinh sản theo bản năng giao phối tự nhiên. Nhưng thật bất ngờ, cặp hà mã này mặc dù chúng được nuôi dưỡng trong môi trường bán tự nhiên nhưng quá trình giao phối của chúng vẫn diễn ra bình thường. Việc hà mã tại một vườn thú bán tự nhiên sinh sản khi mới bốn năm tuổi là một kỳ tích. Điều này chứng tỏ chúng có thể sinh sống và phát triển tốt trong môi trường khí hậu của Việt Nam. Đó là một thành công lớn trong “Chương trình nhân giống động vật hoang dã” của vườn thú Đại Nam.

Khi chúng tôi hỏi về quá trình chăm sóc hai con hà mã từ khi vườn thú nhập về, ông Phi khoe: Chúng ăn nhiều và lớn nhanh như thổi. Chưa đầy hai năm, cả hai con đã nặng hơn một tấn. Hiện tại, hà mã mẹ nặng hơn 1,5 tấn, còn hà mã bố nặng hơn hai tấn. Loại động vật quý hiếm thường ăn bữa chính vào buổi chiều. Thời gian khác thì chúng “ăn dặm” khi khách tham quan cho. Được biết, mỗi bữa loại động vật này ăn hết 30 kg cỏ voi (loài cỏ này khá dễ trồng), hơn 15kg củ quả. Đặc biêt chúng “ăn sạch” nhất so với các loài thú khác. Tất cả thức ăn của nhân viên đưa xuống chúng đều “chén” sạch, không còn một vết nhơ. Vì thế công tác vệ sinh cho loài này khá dễ dàng…

Tính tới thời điểm này, Vườn thú Đại Nam đã có 15 loài động vật quý hiếm sinh sản tốt trong môi trường bán hoang dã. Phải để đến vọc bạc, vọc sóc Nam Phi, linh dương sừng soán, sư tử trắng, hổ dây… Theo dự đoán của ông Phi thì khả năng đàn tê giác sẽ sinh sản trong hai năm tới. Chia sẻ về cách nhân giống các loại động vật quý hiếm thành công, ông Phi khẳng định: Do diều kiện nuôi nhốt bán hoang dã của Vườn thú tạo ra môi trường sinh sống khá tự nhiên cho động vật. Hơn nữa, chúng được các bác sĩ, cán bộ thú y thường xuyên chăm sóc nên hệ động vật phát triển tốt. Ngoài ra, một phần là do vườn thú áp dụng chế độ ăn uống tốt cho từng loài. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là khí hậu nơi đây mát mẻ, rất phù với sự phát triển của các loài động vật có nguồn gốc từ Nam Phi hoặc từ vùng có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới.

Chuyên gia quốc tế cũng bất ngờ

Hiện tại khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) đang nuôi dưỡng động vật theo mô hình bán hoang dã với 65 loài, bao gồm 550 cá thể. Trong đó đã có mười bốn loài động vật quý hiếm được nhân giống thành công. Trường hợp hà mã sinh con thành công trong môi trường bán hoang dã lần này khiến nhân viên cũng như Ban Giám đốc Vườn thú hết sức ngạc nhiên. Bởi vì từ trước đến nay chưa có trường hợp hà mã nào sinh sản trong môi trường như vậy. Được biết, Ban giám đốc Vườn thú đã điện báo tin mừng cho Trung tâm động vật hoang dã Israel (nơi nhập khẩu Hà Mã bố mẹ). Sau khi nhận được tin báo, chính các đối tác nước ngoài cũng ngạc nhiên vì thông tin này. Họ ra sức chúc mừng và có cái nhìn khác về vườn thú Việt Nam.

Đ. Văn – C. Thư