Gần đây, một nghiên cứu mới đã cung cấp những bằng chứng rõ ràng nhất về nội tại của Mặt Trăng. Điều này đạt được sau khi họ sử dụng dữ liệu từ các thí nghiệm đo khoảng cách bằng tia laser và nhiều sứ mệnh không gian khác nhau để xây dựng một mô hình chi tiết về cấu tạo bên trong Mặt Trăng.
Một quả cầu kim loại đặc như sắt ở trong phần lõi của Mặt Trăng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Mặt Trăng có cấu trúc nhiều lớp, với một lõi ngoài nóng chảy bao quanh lõi trong rắn. Lõi trong này có vẻ đặc như sắt, cho thấy rằng tâm của Mặt Trăng là một quả cầu kim loại, không phải là một khối chất lỏng hay hoàn toàn rắn. Phát hiện này giúp giải quyết một câu đố khoa học lâu đời khi các nghiên cứu trước đây, bao gồm dữ liệu địa chấn từ thời kỳ Apollo, đã chỉ ra một lõi phức tạp nhưng không đủ độ phân giải để làm rõ vấn đề.
Nghiên cứu mới mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về cấu trúc bên trong Mặt Trăng, đồng thời hỗ trợ giả thuyết rằng Mặt Trăng từng có một phần bên trong động có khả năng tạo ra từ trường. Từ trường này đã biến mất khoảng 3,2 tỷ năm trước, có thể được hình thành từ chuyển động trong các lớp nóng chảy của Mặt Trăng. Ngoài ra, những phát hiện này cũng củng cố lý thuyết “lật lớp phủ”, nơi vật chất dày đặc hơn chìm xuống trong khi vật chất nhẹ hơn nổi lên, để giải thích sự phân bố của một số nguyên tố trên bề mặt.
Kết quả nghiên cứu cũng xác nhận các ước tính trước đó được đưa ra vào năm 2011 về sự tương đồng của kích thước và mật độ lõi Mặt Trăng, với một cấu trúc chung giữa Trái Đất và vệ tinh của nó. Việc hiểu rõ hơn về cấu trúc bên trong Mặt Trăng là rất quan trọng để nghiên cứu cách thức hình thành, tiến hóa và hoạt động của nó trong tương lai. Với các sứ mệnh có thể được thực hiện tới Mặt Trăng trong những năm tới, các thiết bị đo địa chấn và cảm biến tiên tiến có thể sớm cung cấp thêm những dữ liệu chi tiết hỗ trợ cho các phát hiện này.
Khôi Nguyễn - BGR