Cựu Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Chiều 12/7, sau 2 ngày thẩm vấn, đại diện VKSND Cấp cao đã đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo kêu oan của Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Tuy nhiên, kiểm sát viên chưa đưa ra đề nghị cụ thể về mức án.
Đối với kháng cáo kêu oan của cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, VKS cho rằng quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Chung chưa thừa nhận toàn bộ cáo buộc. Tuy nhiên, căn cứ email do Bùi Quang Huy gửi cho bị cáo Chung đề xuất dừng các gói thầu số hóa để giao cho Nhật Cường thực hiện, bị cáo đã 3 lần gọi điện cho cấp dưới, yêu cầu dừng thầu để “ưu ái” cho Nhật Cường trúng thầu.
Từ đó, cho thấy Công ty Nhật Cường có mối quan hệ mật thiết với UBND Hà Nội và sau chỉ đạo của bị cáo Chung, Nhật Cường đã được tham gia đấu thầu và trúng thầu. Vì vậy, tòa sơ thẩm kết luận bị cáo Chung lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là phù hợp, không oan. Mức án 3 năm tù do TAND Hà Nội đưa ra cũng phù hợp.
Giai đoạn phúc thẩm, bị cáo Chung và gia đình cung cấp một số tài liệu như hồ sơ bệnh án, hơn 85 bằng khen, giấy khen của bị cáo và người thân để làm tình tiết giảm nhẹ mà chưa trình ra tại cấp sơ thẩm. VKS cho rằng, đây là những tình tiết mới để làm căn cứ xem xét. Tại toà, bị cáo Chung thừa nhận toàn bộ hành vi nhưng cho rằng những hành vi đó không đáng bị truy tố. Sau khi tổng hợp các tình tiết, VKS đã đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Chung.
Đối với 2 bị cáo là Phạm Thị Thu Hường (cựu chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư) và Phạm Thị Kim Tuyến (cựu trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư) trong vụ án tiếp tay cho Công ty Nhật Cường trúng thầu các gói số hóa dữ liệu của Sở KH&ĐT Hà Nội, VKS cũng có đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của hai bị cáo này. Bởi hai bị cáo đã thực hiện chỉ đạo của bị cáo Tứ, Cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội để lập hồ sơ khống và can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu khiến kết quả bị sai lệch, gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng cho Nhà nước.
Tuy nhiên tại toà phúc thẩm, bị cáo Tuyến cùng gia đình đã khắc phục thêm tiền để khắc phục được 2 tỷ đồng, bà Hường 1,8 tỷ đồng (mỗi người bị buộc bồi thường hơn 3 tỷ đồng). Còn đối với kháng án xem xét lại mức bồi thường dân sự của 2 bị cáo này, VKS cho rằng tòa sơ thẩm đã tuyên phù hợp nên không có căn cứ chấp nhận.
Trước đó, bị cáo Hường và bị cáo Tuyến lần lượt bị tòa sơ thẩm phạt 42 tháng tù và 4 năm 6 tháng tù, cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2015 đến cuối năm 2018 Sở KH&ĐT Hà Nội được giao thực hiện ba gói thầu số hoá tương ứng với 3 hợp đồng kinh tế đến nay đã quyết toàn, thanh lý hợp đồng. Hai gói thầu số hoá hồ sơ đăng lý kinh doanh năm 2016 và 2017, Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) có mối quan hệ từ trước với bị cáo Chung nên nhiều lần gửi email đề nghị cựu Chủ tịch Hà Nội giúp doanh nghiệp trúng gói thầu. Bị cáo Chung đã lợi dụng chức vụ can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Theo chỉ đạo của bị cáo Chung, bị cáo Nguyễn Văn Tú và cấp dưới thực hiện nhiều thủ tục trái quy định nhằm tạo lợi thế cho liên doanh Nhật Cường – Đông Kinh trúng thầu. HĐXX sơ thẩm đánh giá và cho rằng vụ án gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Chung bị kết án 3 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài vụ án trên, bị cáo Chung đã bị tòa phúc thẩm tuyên phạt tổng mức án 10 năm tù trong 2 vụ án gồm chiếm đoạt tài liệu mật và chỉ đạo mua hóa chất Redoxy 3C trái quy định. |
Quỳnh An