Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Bà Merkel nói rằng mình không ngạc nhiên khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2.2022. “Đó không phải điều bất ngờ”, bà Merkel trả lời phỏng vấn báo Đức Der Spiegel. “Khi đó, thỏa thuận Minsk đã bị xói mòn”.
Bà Merkel nhắc đến thỏa thuận ngừng bắn năm 2014 do Đức và Pháp làm trung gian. Thỏa thuận trao cho các vùng ly khai miền đông Ukraine quyền đặc biệt để đổi lấy ngừng bắn.
Bà Merkel cũng nói rằng, các nỗ lực đàm phán giữa EU và Nga năm 2021 đã không đạt kết quả.
“Tôi cùng Tổng thống Pháp Macron từng lên kế hoạch tổ chức đàm phán độc lập với Nga trong khuôn khổ hội đồng châu Âu vào năm 2021, nhưng một số quốc gia khác trong EU phản đối”, bà Merkel nói.
"Tôi không còn đủ ảnh hưởng để làm điều này vì mọi người đều biết tôi sẽ rời nhiệm sở vào mùa thu năm đó", bà Merkel nói. "Cảm giác lúc đó rõ ràng. Tôi đã hết quyền lực chính trị”.
Bà Merkel nói rằng, không chỉ xung đột ở Ukraine mà các vấn đề căng thẳng trong khu vực như giữa Transnistria và Moldova, giữa Georgia và Abkhazia, cũng như vấn đề Syria, Libya, cũng cần có cách tiếp cận mới.
Nói về việc phản đối Ukraine gia nhập NATO, bà Merkel cho biết mình đã “giúp Ukraine có thêm thời gian” để chuẩn bị tốt hơn trước khi Nga tấn công.
Về vấn đề cung cấp xe tăng cho Ukraine, bà Merkel nói “Đức không phải là quốc gia đầu tiên làm điều này vì sẽ làm tổn hại quan hệ với Nga”.
Nói về chính sách phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga trong giai đoạn mình còn nắm quyền, bà Merkel nói đây là giải pháp tốt nhất nhằm hướng tới tương lai xanh và giảm mức độ sử dụng than đá.
Đăng Nguyễn - RT