Công thức S-400
Bất chấp đe dọa trừng phạt, Ankara đã nhận chuyển giao và tiến hành thử hệ thống phòng không của Nga. Chính quyền Erdogan đã cho thấy sự quyết tâm trong việc kích hoạt vũ khí tranh cãi. Đơn giản vì trong trường hợp này, Thổ Nhĩ Kỳ không thể trả lại các tổ hợp S-400 mà họ đã nhận, hay lựa chọn bán chúng cho một quốc gia khác. Ván đã đóng thuyền và giờ chỉ còn tìm công thức hóa giải rủi ro.
Đã có nhiều công thức đưa ra trong thời gian qua nhưng chưa có một phương án nào thực sự khả thi với Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây tờ Yeni Safak đã đưa ra một phương án mới dựa theo lời của một quan chức giàu kinh nghiệm giấu tên, người đã tham gia vào quá trình mua S-400 và nắm rất rõ về chất lượng kỹ thuật của hệ thống.
Theo nguồn tin, chúng ta có thể gọi công thức này là “mô hình Pakistan”. Ngược lại quá khứ, khi bán chiến đấu cơ F-16 cho Pakistan trong chương trình nghị sự vào những năm 1990, người Mỹ đã có thỏa thuận với chính quyền Pakistan để đảm bảo rằng những chiếc máy bay này sẽ không được sử dụng theo bất kỳ cách nào mà họ cho là không phù hợp. Chính xác hơn, một văn phòng đã được mở tại quốc gia này để phụ trách việc giám sát F-16.
Chính vì vậy, một phương pháp tương tự cũng có thể được áp dụng cho S-400.
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận tương tự như mô hình được áp dụng ở Pakistan, tiến hành thành lập văn phòng giám sát chung có cả nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Dựa trên công thức này, Ankara sẽ vẫn tiếp tục duy trì trạng thái hoạt động của hệ thống S-400. Tuy nhiên, trong trường hợp rủi ro có thể xảy ra với máy bay F-35 của Mỹ, các khẩu đội S-400 có thể được điều chỉnh quay sang hướng khác, và điều này sẽ được giám sát và xác nhận bởi những nhân viên Mỹ làm nhiệm vụ tại văn phòng theo dõi.
Với cách làm như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục sử dụng S-400 cho những mục tiêu tiêng không ảnh hưởng đến liên minh, trong khi Mỹ sẽ loại bỏ lo ngại về việc bí mật công nghệ của F-35 sẽ bị S-400 khai thác.
Đây được coi là hướng đi trung lập tốt nhất cho cả hai bên. Hiện chưa rõ liệu một công thức như vậy có thể được thảo luận trong các cuộc đàm phán với Mỹ hay không, nhưng nếu mục đích là để tìm ra một giải pháp, thì điều này hoặc những ý tưởng tương tự có thể được đưa ra trong chương trình nghị sự.
Đại sứ mới
Trước chuyến thăm Azerbaijan tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói về mối quan hệ với Mỹ và nhiệm kỳ sắp tới của ông Joe Biden được ấn định sẽ bắt đầu vào ngày 20/1/2021.
“Chúng tôi vẫn cho rằng bất kỳ tuyên bố nào được đưa ra lúc này sẽ là quá sớm. Trước tiên hãy để Biden nhậm chức, sau đó chúng tôi sẽ ngồi lại và thảo luận các vấn đề với ông ấy. Cũng giống như trước đây chúng tôi đã đến với nhau và nói chuyện, cho dù đó là ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Mỹ. Không thể có xung đột giữa hai nước về chính trị. Lĩnh vực ngoại giao đòi hỏi những vấn đề như vậy phải được cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được thỏa thuận và tìm ra giải pháp. Một số người ở Mỹ có thể đưa ra hành động tiêu cực. Điều đó không quan trọng; họ là những người nghiệp dư trong lĩnh vực chính trị. Tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ tiến tới với Mỹ theo một cách rất khác”.
Ngay sau đó, một bài đăng của Michael Carpenter, cố vấn của ông Biden, nói rằng: “Rất vui khi thấy Thổ Nhĩ Kỳ báo hiệu mở cửa đối thoại với chính quyền tiếp theo”.
Một trong những bước đi khác có thể được đánh giá là chuẩn bị cho nhiệm kỳ Biden là việc bổ nhiệm Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Tokyo Murat Mercan làm đại sứ mới của Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington.
Ông Mercan là một trong những người tham gia thành lập đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (đảng AK), từng là thứ trưởng và đảm nhận các vai trò mang tính xây dựng trong các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là trong quan hệ với Mỹ. Nhân vật này đã gặp trước nhiều nhân vật sẽ phục vụ trong chính quyền Biden và hiện đang liên hệ chặt chẽ với họ.
Theo The New York Times, các cố vấn của Biden nói rằng họ sẽ thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các kênh ngoại giao truyền thống thay vì dựa vào đường dây liên lạc tự phát và trực tiếp giữa ông Trump và ông Erdogan trước đây.
Đây có thể coi là một dấu hiệu nữa cho thấy tầm quan trọng của sứ mệnh mà tân đại sứ Mercan đảm trách trong giai đoạn chuyển giao.
Tờ The New York Times nhận định, cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với thương vụ S-400 của Nga sẽ là thử nghiệm đầu tiên của nhiệm kỳ mới trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Với lập trường của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đối với vấn đề này, có thể thấy rằng “rạn nứt” giữa cả hai là khá lớn.