Chiều 29/5, tại TP.Đà Nẵng, trong buổi Toạ đàm Ô nhiễm rác thải và giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng cho biết, vấn đề rác thải tại TP.Đà Nẵng được dư luận lẫn các cấp quyền địa phương quan tâm.
Từ trước đến nay, TP.Đà Nẵng chôn lấp rác nhưng “chẳng hợp vệ sinh mấy” và đã hết diện tích chôn. Năm 2017, thành phố mời các chuyên gia hàng đầu trên thế giới nghiên cứu về vấn đề giải quyết rác tại thành phố. Tuy nhiên, sau hai năm, các chuyên gia này vẫn không đưa ra được phương hướng giải quyết nên hai bên đành “chia tay” nhau.
Hiện, TP.Đà Nẵng có một nhà máy xử lý rác đầu tư năm 2012. Chủ đầu tư đề nghị nâng cấp với phương pháp đốt phát điện năng suất lên 650 tấn một ngày. Chủ trương này được bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, đang có những bước tiếp theo để phát triển dự án.
Ngoài ra, TP.Đà Nẵng kêu gọi thêm các dự án xử lý rác với công suất khoảng 1.000 tấn mỗi ngày. Đã có 26 hồ sơ từ các nhà đầu tư quan tâm với các công nghệ tiên tiến khác nhau.
“Nhiều công nghệ được giới thiệu nhưng thật tình công nghệ nào tối ưu nhất tôi không trả lời được. Năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư là vấn đề quan trọng. Qua đợt xét tuyển vừa rồi, thành phố chưa tìm được nhà đầu tư nào có năng lực thực sự”, ông Hùng chia sẻ.
Vị này cho biết thêm: “Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư thêm một lần nữa. Chúng tôi thận trọng là hợp lý vì có quá nhiều công nghệ. Công nghệ nào cũng tiên tiến nhưng phải hợp khả năng tài chính của thành phố”.
Theo Giám đốc sở TNMT Đà Nẵng, việc chôn lấp, Thành phố chi 42 nghìn đồng cho 1 tấn rác. Trong khi đó, các công nghệ mà các chủ dự án gửi đến TP.Đà Nẵng đưa ra yêu cầu không dưới 20 USD, tức hơn 440 nghìn đồng 1 tấn.
“Với đề xuất của các chủ đầu tư, ngân sách bỏ ra hết sức lớn. Với chúng tôi, đó là vấn đề lớn, rất khó”, ông Hùng thừa nhận.
Đi tìm phương án xử lý rác tốt nhất trong tương lai
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Mai Huy Tân cho biết, ở Việt Nam, rác thải hiện nay được xử lý theo phương án chôn lấp chiếm 75% và phần lớn chôn lấp không hợp vệ sinh. Việc chôn lấp đang lộ ra nhiều khuyết điểm cần sửa chữa. Các lò đốt rác công suất thấp và thải ra nhiều tro gây độc hại.
Do đó, cần gắn việc năng lực tái tạo với bảo vệ môi trường. Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và các dự án đầu tư từ dự án PPP. Cần phát triển xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến, đặc biệt là điện rác. Ngoài ra, cần khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường gắn với ngành năng lượng tái tạo.
Theo ông Tân, điện rác có vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống phát điện quốc gia vì điện rác có thể phát liên tục 365 ngày.
Hình thức đầu tư hiện nay giống như PPP nhưng 99% là vốn của tư nhân. Nhà nước chỉ bỏ ra một ít chi phí để xử lý bên ngoài. Vì thế việc đầu tư xử lý rác không phải là đầu tư công. Nhà đầu tư tư nhân đương nhiên phải tính toán kinh tế.
“Theo tính toán của tôi thì dự án này có thể trả nợ vay cả lãi lẫn gốc trong khoảng 15 năm. Sau đó nhà đầu tư có thể hoàn vốn và nộp thuế cho Nhà nước. Nhà máy có thể liên tục hoạt động 30 năm không hỏng hóc…
Theo tôi, TP.Đà Nẵng cần quyết liệt hơn trong lựa chọn công nghệ cũng như nhà đầu tư trong tương lai. Việt Nam hoàn toàn làm được công việc giải quyết rác thải nếu có quyết tâm chính trị”, ông Tân chia sẻ.
Bên cạnh đó, GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đồng tình với Tiến sĩ Mai Huy Tân.
Bà Chi cho biết, công nghệ xử lý rác thu hồi năng lượng, giảm thiểu chôn lấp đang là xu thế của thế giới và cần được quan tâm, phát triển tại Việt Nam.
“Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt bởi Quyết định số 2068/QD-TTg ngày 25/11/2015 nhằm nâng tỷ lệ xử lý chất thải thành phố cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050”, bà Chi nói.
Nữ giáo sư cho rằng, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo trên sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân địa phương. Đồng thời, tạo nguồn cung cấp năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Giảm mối nguy hiểm đến sức khỏe của cộng đồng từ tác động tiêu cực của bãi rác gây ra. Giảm tác động tiêu cưc do xung đột với cộng đồng dân cư quanh bãi rác.
"Phương án điện rác sẽ xử lý triệt để các chất ô nhiễm trong chất thải rắn, đặc biệt hiệu quả với chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại", bà cho hay.
GS. TS Đặng Kim Chi cũng chỉ ra rằng, với công nghệ này sẽ làm giảm đáng kể thể tích và trọng lượng chất thải phải xử lý: tro xỉ thu được sau khi đốt, tùy thuộc vào công nghệ, giảm trung bình 80% trọng lượng và hơn 90% thể tích so với lượng chất thải ban đầu sẽ làm giảm diện tích đất sử dụng cho chôn lấp.