Cung ứng mặt hàng thiết yếu trong thời gian kéo dài giãn cách thế nào?
Chiều 26/8, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc sở Công Thương Tp. Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã có phương án cung ứng hàng hóa trong thời gian kéo dài giãn cách từ ngày 26/8 đến 5/9.
Theo đó, thành phố hỗ trợ 50.000 suất hàng hóa thiết yếu gồm gạo, mì tôm, thịt hộp, cá hộp, cá khô, trứng gà cho 50.000 hộ đặc biệt khó khăn, tương ứng 16,6% tổng số hộ dân.
Hỗ trợ 1.000 tấn rau, củ, quả cho toàn bộ người dân thành phố. Tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ một số mặt hàng thiết yếu cho người dân.
Các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối hoạt động tối đa 100% công suất.
Lực lượng shipper công nghệ hợp đồng với các đơn vị cung ứng tham gia vào việc giao nhận hàng phục vụ nhu cầu của người dân.
Các quận, huyện căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và điều kiện dịch tễ để quyết định việc mở lại các cửa hàng tạp hóa nhưng phải bảo đảm quy định phòng, chống dịch.
Việc mua hàng tại các cửa hàng này được thực hiện thông qua ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố; các cửa hàng có thể nghiên cứu bố trí thêm điểm bán các mặt hàng rau xanh, thịt, cá.
UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch và chủ động quyết định mở lại các chợ truyền thống trên nguyên tắc bảo đảm tuân thủ yêu cầu phòng, chống dịch. Đồng thời, tạp hoá cũng được mở nhưng phải đảm bảo các công tác phòng chống dịch.
Tổ chức các điểm bán hàng lưu động, chợ tạm trên địa bàn để cung ứng một phần nào nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Sở Công thương đề nghị thành phố cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi được sử dụng 100% nhân lực và không áp dụng 3 tại chỗ.
Ưu tiên cấp thẻ nhận diện và chỉ đạo các chốt kiểm soát tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển, người điều khiển phương tiện vận chuyển và người phục vụ cung ứng hàng hoá thiết yếu trên địa bàn thành phố được thuận lợi trong việc lưu thông, đi lại.
Tăng cường bổ sung thêm lực lượng cho ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố, huy động thêm đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, tình nguyện viên, tổ dân phố… để bảo đảm tổng hợp đơn hàng và giao hàng kịp thời cho người dân.
Trong khi đó, sở Giao thông vận tải Tp. Đà Nẵng làm việc với sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam để tạo điều kiện cho việc lưu thông của các phương tiện vận tải 2 địa phương được nhanh chóng, thuận lợi.
Với các phương án này, hàng hoá sẽ được lưu thông, tránh trường hợp người dân khó khăn trong tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong thời gian giãn cách.
Thêm 144 ca mắc mới, 11 ca cộng đồng
Chiều 26/8, theo Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 Tp. Đà Nẵng, trong ngày, trên địa bàn ghi nhận 144 ca mắc Covid-19, trong đó 60 ca cách ly tập trung; 29 ca cách ly tạm thời tại nhà; 44 ca trong khu phong tỏa và 11 ca cộng đồng.
Trong 11 ca cộng đồng có 7 trường hợp phát hiện khi lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình. Cụ thể, quận Hải Châu ghi nhận 4 ca, tại các phường Hòa Cường Nam, Thạch Thang, Bình Thuận; Liên Chiểu ghi nhận 1 ca, tại phường Hòa Khánh Bắc, và Thanh Khê ghi nhận 2 ca, tại các phường Tam Thuận, Vĩnh Trung.
Trong 7 trường hợp này có 3 ca liên quan chuỗi lây nhiễm chợ đầu mối và 4 ca chưa xác định nguồn lây.
4 ca cộng đồng còn lại là các trường hợp có triệu chứng đến khám tại các cơ sở y tế. Trong đó, 1 trường hợp có triệu chứng đến khám tại bệnh viện Gia đình, đã lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình ngày 22/8 và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Có 2 trường hợp là người nhà đưa bệnh nhân đi khám ở Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, trong đó 1 trường hợp đã lấy mẫu xét nghiệm trong khu vực phong tỏa và có kết quả âm tính vào các ngày 16 và 23/8; trường hợp còn lại cũng đã lấy mẫu khu vực phong tỏa, có kết quả âm tính vào các ngày 16 và 18/8.
Trường hợp thứ 4 là điều dưỡng Khoa Nhi, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vào các ngày 14, 17, 20 và 23-8. 7/11 ca cộng đồng được ghi nhận trong ngày chưa rõ nguồn lây.
Chuỗi lây nhiễm liên quan đến hoạt động xét nghiệm hộ gia đình vẫn còn nguy cơ rất cao. Trong ngày, ngành y tế ghi nhận thêm 23 trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến hoạt động xét nghiệm hộ gia đình, trong đó có 15 trường hợp F1 và 8 trường hợp trong khu vực phong tỏa.
Liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường, các địa phương tiếp tục ghi nhận thêm 101 ca mắc Covid-19, trong đó có 61 F1, F liên quan; 36 ca trong khu vực phong tỏa và 3 ca lấy mẫu hộ gia đình. Hiện chuỗi lây nhiễm này đã ghi nhận 1.198 ca mắc, trong đó có 234 tiểu thương; 49 người đi chợ và 915 F1, F liên quan.
Hải Châu vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất trong ngày với 72 trường hợp. Trong đó, điểm nóng phường Hòa Thuận Đông tiếp tục ghi nhận thêm 32 ca mắc Covid-19 mới, trong đó tập trung tại một số khu vực như K524, K514 Hoàng Diệu, K448 Trưng Nữ Vương, K149 Lê Đình Lý, K59 Núi Thành.
Trong khi đó, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất với 8/29 trường hợp được ghi nhận trên toàn quận.
Tự mổ heo, bổ sung thịt cho các điểm bán hàng lưu động
Theo UBND quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng, trong ngày, đơn vị đã phối hợp các đơn vị bộ đội tiến hành mổ 20 con heo. Số lượng thành phẩm được phân loại và chuyển đến các điểm bán hàng lưu động theo đơn đặt hàng của người dân thông qua tổ dân phố và phường với giá tốt nhất. Đội ngũ tham gia mổ heo là những người đã được tiêm vắc xin. Đây là việc làm thiết thực và hiệu quả trong bối cảnh nhu cầu về thực phẩm, nhất là thịt tươi sống của người dân tăng cao.