Được coi là “lộc trời” bởi là loại thực phẩm hoàn toàn tự nhiên, chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vào cuối thu đầu đông, con rươi hay còn gọi là rồng đất là món ăn khoái khẩu được nhiều người lùng mua khi đến mùa.
Những năm trước, rươi thường có giá từ 500-650 nghìn đồng/kg nhưng năm nay, rươi được rao bán khắp các chợ online và bày bán tại các chợ truyền thống với giá rẻ chưa từng có.
Rươi được coi là đặc sản chỉ xuất hiện vào cuối thu, đầu đông.
Ngồi bên cạnh khay rươi vẫn còn đầy, chị Hoa, người bán hải sản ở chợ Thổ Quan (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm ngoái, chị bán rươi với giá 500 nghìn đồng mà mỗi ngày 3-4 khay cũng hết veo. Năm nay, giá chỉ còn 350 nghìn đồng mà suốt 3 tiếng buổi sáng mới bán được 2 lạng.
“Tôi cũng thấy lạ, dân hết tiền hay sao ấy, rẻ vậy mà cả sáng có 2 người hỏi, 1 người mua. Ế quá là ế”, chị Hoa nói.
Ngược lại, rao bán rươi với giá chỉ 330 nghìn đồng/kg trên chợ online, chị Thu Hằng, trú tại Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chốt đơn hơn 1 tạ/ngày vì quá rẻ.
“Mọi năm rươi hiếm lại có giá cao nên tôi chỉ dám nhập 2-3 yến về bán. Thậm chí năm ngoái, giá rươi đầu mùa còn lên mốc 650 nghìn đồng/kg nên chỉ những ai đặt trước tôi mới dám nhập.
Rươi to đại được rao bán với giá chỉ 330 nghìn đồng/kg tại Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình).
Năm nay, rươi rẻ bằng nửa năm ngoái nên khách đặt nhiều lắm. Có người mua vài cân cất tủ đông ăn dần cả năm nên hôm qua tôi gom đơn được hơn tạ”, chị Hằng chia sẻ.
Mới thu hoạch hơn 1 tấn rươi và bán cho thương lái, anh Tùng, trú tại Tứ Kỳ (Hải Dương) cho biết, năm ngoái rươi mất mùa, cả vụ gia đình anh thu được khoảng 1 tạ nhưng năm nay mới có một đêm, nhà anh đã thu được hơn 1 tấn rươi.
“Mọi năm, rươi lên lác đác từ tháng 9, tháng 10 âm lịch nhưng năm nay mãi tháng 11 mới lên mà lên nhiều vô kể. Rươi được mùa lại không xuất khẩu được sang Trung Quốc nên giá rẻ bằng nửa năm ngoái”, anh Tùng nói.
Thay vì xuất khẩu sang Trung Quốc như mọi năm thì năm nay rươi chỉ phục vụ chủ yếu ở thị trường trong nước với giá rẻ.
Theo anh Tùng, quê anh thường có câu: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”, hay là câu: “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm” để nói về giá trị của con rươi và những lần rươi xuất hiện.
Thông thường, rươi sinh sống quanh năm dưới lớp bùn dày bằng nguồn phù sa và sinh vật phù du vùng nước lợ. Đến mùa sinh sản, rươi nổi lên mặt nước vào thời điểm sau khi thu hoạch lúa hè thu, nhà nhà đang ăn mừng lúa mới thì rươi xuất hiện.
Người dân dựa vào con nước, đắp bờ chặn để thu vớt rươi bán cho thương lái. Nhiều hộ gia đình cũng đắp bờ, xây cống, cải tạo môi trường sống sạch sẽ sau khi thu hoạch lúa để rươi phát triển tự nhiên nhất.
Rươi được bán với giá chỉ 270 nghìn đồng/kg. (Ảnh chụp màn hình).
“Năm ngoái, rươi mất mùa nên giá cao, lên đến 650 nghìn đồng/kg mà không có để bán. Năm nay được mùa, giá tại ruộng chỉ còn 260-300 nghìn đồng/kg. Nhiều nhà không bán được hết luôn phải cấp đông bán dần”, anh Tùng chia sẻ.
Theo các nhà khoa học, rươi thuộc họ giun nhiều tơ. Môi trường sinh sống của chúng thường là các khu vực nước lợ hoặc khu vực tiếp giáp giữa môi trường nước lợ và nước ngọt.
Ở nước ta, rươi thường có nhiều ở một số địa phương vùng trũng, có diện tích đất ngập úng, đặc biệt là vùng Kinh Môn, Thanh Hà, Tứ Kỳ của Hải Dương.
Rươi có thể chế biến được nhiều món nhưng phổ biến nhất là món chả rươi.
Theo các chuyên gia, giá trị dinh dưỡng của rươi hoàn toàn không thua kém gì thịt bê non, với mỗi 100g rươi thì có đến 12.4g protid, 4.4g lipid, cung cấp cho cơ thể được 92 calo. Ngoài ra, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, photpho, sắt, kẽm…
Hồng Cảnh