Liên quan đến khoản vay 500 tỷ, ông Trần Văn Bình - Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Thương mại và dịch vụ Trung Dung mở đầu phần xét hỏi sáng nay.
Ông Bình khai nhận trước tòa chỉ là nhân viên của tập đoàn Thiên Thanh và được Phạm Công Danh nhờ đứng tên hộ công ty Trung Dung.
Về hồ sơ vay vốn 500 tỷ đồng, Bình là người ký nhưng không biết mục đích vay vốn. Sau khi ký xong thì hồ sơ đưa cho kế toán của tập đoàn Thiên Thanh. 500 tỷ có chuyển về tài khoản của công ty Trung Dung hay không thì ông này cũng không hay biết.
Ngoài ra, ông Bình cũng khai nhận rằng, không biết gì về khoản góp vốn điều lệ tại Công ty Trung Dung, nơi anh ta đứng tên tổng giám đốc; không biết gì về công ty Trung Dung và chỉ biết làm theo chỉ đạo.

Bị cáo Hà Văn Thắm và đồng bọn hầu tòa.
Bà Đặng Quỳnh Mai – thời điểm xảy ra vụ việc là lãnh đạo khối khách hàng doanh nghiệp của Oceanbank - trả lời HĐXX rằng, nhận hồ sơ vay 500 tỷ của công ty Trung Dung từ bị cáo Nguyễn Văn Hoàn – cựu Phó Tổng giám đốc Oceanbank.
Theo thẩm định của bộ phận có thẩm quyền thì tài sản đảm bảo chưa đủ cho khoản vay. Nguồn trả nợ là bất động sản nhưng thời điểm đó rất nhiều rủi ro. Số tiền 250 tỷ của công ty Trung Dung dùng làm tài sản đảm bảo chỉ là báo cáo nhưng chưa được kiểm toán (số tiền vốn điều lệ của công ty Trung Dung được cơ quan điều tra xác định là ảo). Bà Mai cũng đã có báo cáo lãnh đạo vấn đề này.
Bị cáo Hà Văn Thắm vẫn khẳng định, thực chất Phạm Công Danh mới là chủ công ty Trung Dung. Khi ký quyết định cho Trung Dung vay 500 tỷ, Thắm cho biết không lo lắng nhiều về khoản tài sản đảm bảo của công ty SGG. Tuy nhiên, rủi ro nhất là 250 tỷ đồng vốn điều lệ tài sản của công ty Trung Dung.
Nhưng nhìn nhận các mặt tốt của Trung Dung khi có mặt bằng cho BigC thuê, có trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới nên Thắm vẫn quyết định cho vay. Ngoài ra, trước đó, Phạm Công Danh cũng là khách hàng từng vay tiền tại Oceanbank để mua khu đất ở Đà Nẵng.

Bà Ngô Kim Lan - đại diện của nhóm bà Hứa Thị Phấn trình bày trước tòa.
Bà Ngô Kim Lan - đại diện của nhóm bà Hứa Thị Phấn trình bày rằng: Khoảng 23/2/2012, Thắm ký hợp đồng kinh tế với nhóm bà Hứa Thị Phấn (bà Sáu Phấn) về việc chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín nhưng không trên cơ sở tự nguyện mà do Thắm có những lời nói, hành vi cưỡng ép bà Phấn chuyển nhượng lại ngân hàng.
Bởi vậy mà việc ký kết hợp đồng giữa các bên diễn ra rất nhanh và khó hiểu?! Bà Phấn lo sợ nên đã bảo con cháu giao lại cho Thắm toàn bộ cổ phần.
“Việc làm này rất khó tả vì không hiểu là dân sự hay cưỡng đoạt vì sau khi hoàn thành hợp đồng anh ta đi ngay để lại một nhân viên làm việc này”, bà Lan cho biết.
Phản bác lời khai của người đại diện cho nhóm bà Hứa Thị Phấn, Thắm khai thời điểm đó tình trạng của ngân hàng Đại Tín rất xấu, bị cáo chỉ phân tích để bà Phấn hiểu chứ không hề đe dọa.
Sau khi cho người vào điều hành quản lý ngân hàng Đại Tín, Hà Văn Thắm mới càng thấy tình trạng của ngân hàng này đang trên bờ vực “xuống dốc không phanh” bởi có nhiều khoản nợ xấu khó đòi cùng với các mối quan hệ phức tạp giữa các nhóm khách hàng của ngân hàng này với bà Phấn. Cuối cùng, Thắm một lần nữa muốn “đẩy” ngân hàng sang cho người thứ ba.
Đến tháng 6/2012, Thắm đưa Phạm Công Danh đến gặp bà Phấn. Giữa hai người này ký hợp đồng chuyển nhượng lại ngân hàng Đại Tín với sự tác động của Thắm. Sau đó đại diện bà Phấn đã ký về mặt bàn giao thủ tục, nhưng thực chất là Thắm giao cổ phần Đại Tín cho Phạm Công Danh.
Chiều nay, HĐXX tiếp tục tiến hành xét hỏi các bị cáo.
Yến Nhi