Đại biểu lo ngại dòng tiền chỉ chảy vào phân khúc BĐS dành cho người giàu

Đại biểu lo ngại dòng tiền chỉ chảy vào phân khúc BĐS dành cho người giàu

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 5, 03/11/2022 18:06

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn khó khăn, bởi nguồn cung quá thiếu so với nhu cầu, cùng đó là chính sách tín dụng bị thắt chặt.

Thị trường BĐS sẽ tiếp tục khó khăn

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng chiều 3/11, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề, thị trường tài chính, bất động sản, tăng trưởng kinh tế là ba chân kiềng có mối quan hệ biện chứng. Thế giới có thể đang rơi vào suy thoái kinh tế.

"Bộ trưởng dự báo ra sao về xu hướng bất động sản Việt Nam thời gian tới? Những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải sẽ được giải quyết thế nào", ông đặt câu hỏi.

Bất động sản - Đại biểu lo ngại dòng tiền chỉ chảy vào phân khúc BĐS dành cho người giàu

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại, rồi đưa ra dự báo. Ông cho rằng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập; cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa; cơ cấu nguồn lực cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý.

Hiện nay chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng, vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15-30% tổng mức đầu tư của dự án. Chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường.

Ngoài ra, giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến. Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân.

Theo ông Nghị, Bộ Xây dựng dự báo thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, nguồn cung tiếp tục bị hạn chế. Cơ cấu có cải thiện nhưng còn hạn chế. Các phân khúc như nhà ở xã hội, nhà giá rẻ nhu cầu còn lớn. 

Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, kiểm soát cơ cấu bất động sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản làm ăn đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, sẽ kiểm soát phát hành trái phiếu huy động vốn trên thị trường chứng khoán; tháo gỡ khó khăn vưỡng mắc, đầu tư đất đai, tạo nguồn cung trên thị trường.

Cân đối dòng tiền chảy vào BĐS

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng khi hiện nay thị trường bất động sản chưa được kiểm soát tốt, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hợp lý. Dòng tiền chủ yếu chảy vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, người nghèo thì chưa được quan tâm đúng mức. Vậy giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới như thế nào?

Với nội dung câu hỏi này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng được chỉ định trả lời.

Bất động sản - Đại biểu lo ngại dòng tiền chỉ chảy vào phân khúc BĐS dành cho người giàu (Hình 2).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tham gia trả lời chất vấn (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo Thống đốc, vốn tín dụng chỉ là một trong những nguồn lực cần có để thị trường bất động sản phát triển. Thay vào đó, thị trường này cần vốn từ đầu tư trực tiếp, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn tự có của doanh nghiệp, người dân...

Việc điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, bà Hồng nói, phải lấy mục tiêu điều hành tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng.

Chẳng hạn, trong giai đoạn cần ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, việc mở rộng tín dụng cho bất động sản sẽ gây khó khăn để đạt mục tiêu chính sách tiền tệ, chứ chưa nói tới đi ngược lại mục tiêu này. "Điều hành tín dụng cho bất động sản vì thế phải cân nhắc, thận trọng", bà Hồng nói.

Ngoài ra, tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn rủi ro, bởi tín dụng lĩnh vực này thường là dài hạn, số tiền huy động lớn, trong khi đặc tính huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn. Vì thế, nếu không tổ chức, điều tiết tốt sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản, khó khăn trong chi trả cho người dân.

Thống đốc khẳng định, trong chỉ đạo điều hành Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro gián tiếp, chẳng hạn quy định hệ số điều chỉnh rủi ro với khoản vay bất động sản là 200%, vay mua nhà giá trị trên 4 tỷ đồng là 150%... Còn hệ số điều chỉnh rủi ro với vay mua nhà ở xã hội dưới 1,5 tỷ đồng là dưới 50%...

Tức là, chính sách của cơ quan quản lý tiền tệ hướng tới ưu tiên cấp tín dụng khoản vay nhà ở phân khúc thấp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.