Quy hoạch thiếu tầm nhìn
Trước tình trạng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch Nhà nước về quy hoạch phát triển đô thị vẫn xuất hiện sai phạm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu giải pháp, trách nhiệm của Bộ và cá nhân khi nhiều nơi chất lượng quy hoạch không đảm bảo, quy hoạch treo và không ít nơi “treo bền vững”.
Lý giải tình trạng quy hoạch treo, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng đây là những dự án chưa xác định được nguồn lực, chất lượng quy hoạch và cơ chế triển khai đầu tư.
“Quy hoạch của chúng ta chưa đảm bảo chất lượng, thiếu tầm nhìn, dự báo chưa chính xác và cũng không lặp đồng bộ các quy hoạch liên quan, gây mâu thuẫn giữa các quy hoạch với nhau”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc tổ chức quản lý quy hoạch cũng chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Một số địa phương còn chủ quan khi mở rộng đất phát triển đô thị mà chưa tính toán chính xác nguồn lực. Thủ tục đất đai còn chậm và năng lực của chủ đầu tư cũng chưa đảm bảo.
Trách nhiệm này, theo Bộ trưởng Xây dựng, thuộc về các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý, đánh giá, rà soát quy hoạch. Bộ Xây dựng cũng chưa kiểm tra, đôn đốc, thanh tra, xử lý kịp thời, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật để đảm bảo quy hoạch chặt chẽ, có tầm nhìn và khả thi.
Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện quy định pháp luật, bổ sung những quy định như tăng sự tham gia của cộng đồng dân cư, nhà đầu tư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch. Ngoài ra sẽ thẩm định dự án đầu tư, tăng thẩm tra năng lực đầu tư về vốn và khả năng huy động vốn.
Không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về nguyên nhân gốc rễ của việc chậm trễ trong việc phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh hiện nay? Điều đó tác động như thế nào đến quy hoạch vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia? Ai là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công việc này? Giải pháp sắp tới của Bộ trưởng trong việc thúc đẩy nhanh tiến độ này?
Với câu hỏi này, liên quan đến tiến độ lập các quy hoạch chậm và trách nhiệm trong câu chuyện này, người trả lời được chỉ định là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Theo Bộ trưởng Dũng, đây là lần đầu tiên thực hiện Luật Quy hoạch, phải đồng thời cùng lúc lập 110 quy hoạch, gồm một quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch của 6 vùng kinh tế, 39 quy hoạch ngành quốc gia và 63 quy hoạch cấp tỉnh. “Chúng ta đang tiến hành khối lượng công việc rất lớn”, ông Dũng nói.
Thông tin chi tiết hơn về tiến độ, ông cho biết quy hoạch tổng thể quốc gia đang được báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua kỳ hợp tới.
Hiện nay, với 6 quy hoạch vùng, Chính phủ đã thông qua quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 5 vùng còn lại đang tổ chức lập; 39 quy hoạch ngành quốc gia đã xong 5 quy hoạch ngành giao thông; 63 quy hoạch của địa phương đã thẩm định 9 quy hoạch, còn hơn 50 tỉnh đã xong và đang thẩm định.
“Tiến độ này là chậm so với yêu cầu”, ông Dũng thừa nhận và cho biết nguyên nhân có phần do lần đầu thực hiện, còn nhiều cách hiểu khác nhau về tích hợp quy hoạch; lực lượng tư vấn còn mỏng; phương pháp quy hoạch tích hợp với khối lượng lớn chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ trưởng KH&ĐT khẳng định Chính phủ rất quan tâm và có nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch theo quan điểm không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng.
“Quan tâm lớn nhất của Chính phủ là chất lượng quy hoạch phải đảm bảo đồng bộ, đảm bảo tầm nhìn chiến lược”, ông Dũng nói và cam kết sẽ cố gắng tháo gỡ khó khăm, hướng dẫn, tham gia cùng địa phương, các bộ ngành có phương pháp lập quy hoạch tốt nhất.
Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm lần này không phải cứ xong quy hoạch tỉnh mới làm quy hoạch vùng mà sẽ làm đồng thời, quy hoạch sau nếu có khác thì sẽ điều chỉnh theo quy hoạch cấp cao hơn.