Đại tướng Võ Nguyên Giáp hướng chúng ta tới chân-thiện-mỹ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp hướng chúng ta tới chân-thiện-mỹ

Thứ 7, 21/12/2013 10:56

Đức tính cao đẹp, nhân cách như một vị thánh hiền của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang lan tỏa, thấm đẫm trong trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam.

Đại tướng của chúng ta mất đi nhưng tư tưởng, đạo đức và nhân cách của Người sẽ trường tồn mãi với dân tộc. Sự mất mát, ra đi của một con người vĩ đại, nhưng để lại một dấu ấn sâu sắc lay động nhân tâm và thúc đẩy mầm thiện trong mỗi con người và toàn xã hội như bừng tỉnh. 

Nhân cách lớn 

Thể xác của một vĩ nhân có thể mất đi khi trái tim ngừng đập, nhưng nhân cách, tư tưởng của người đó để lại sẽ còn mãi với thời gian. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người như vậy. Người đã về với hồn thiêng sông núi, về với đất mẹ Quảng Bình nhưng sự ra đi của Người đã mở ra một thời khắc lịch sử mới cho dân tộc.

Chứng kiến thời khắc lịch sử ấy, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng viện Chiến lược (bộ Công an) đã không kìm nổi cảm xúc, thốt lên rằng: "Dấu ấn lớn nhất của Đại tướng không chỉ chiếm trọn tình cảm của con dân đất Việt mà còn khiến cả thế giới phải nghiêng mình. Đó chính là nhân cách của Võ Đại Tướng. Một nhân cách lớn và chính nhân cách này đã thức tỉnh và cho chúng ta thấy được rằng người Việt Nam luôn hướng về cái chân - thiện - mỹ trong cuộc sống".

Xã hội - Đại tướng Võ Nguyên Giáp hướng chúng ta tới chân-thiện-mỹ

Sự ra đi của Đại tướng đã thức tỉnh những người ở lại. Ảnh TL.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường xô bồ, xã hội còn chất chứa nhiều vấn đề phức tạp, bức xúc thì sự ra đi của Tướng Giáp đã thức tỉnh rất nhiều người và chứng tỏ rằng, dẫu trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, người dân dẫu còn không ít bức xúc nhưng giá trị chân thực của cuộc sống vẫn trường tồn. Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, sự thức tỉnh đó đã khiến chúng ta thấy yên tâm hơn với tương lai của dân tộc Việt Nam.

"Mặc dầu chỗ này chỗ kia, vẫn còn những bất công, những bức xúc, nhiều vấn đề nhưng qua sự kiện đặc biệt đó cho thấy người Việt Nam vẫn nhận ra đầy đủ những giá trị chân - thiện - mỹ của cuộc sống. Người dân Việt Nam ngưỡng mộ Đại tướng không chỉ là vì những chiến thắng hiển hách huyền thoại trong quân sự. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa gần 60 năm, chiến thắng 30/4 cũng đi qua hơn 38 năm và Đại tướng của chúng ta cũng đã nghỉ hưu hơn 22 năm rồi. Những chiến công của Đại tướng mặc dù lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu nhưng đó không phải là dấu ấn duy nhất của Người. Dấu ấn lớn nhất của Đại tướng không chỉ chiếm trọn tình cảm của đồng bào Việt mà còn khiến cả thế giới phải nghiêng mình. Đó là chính là nhân cách của Võ Đại Tướng”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Trong lễ tang của Võ Đại Tướng, hình ảnh hàng nghìn thanh niên ngày đêm túc trực trước số nhà 30 Hoàng Diệu để hướng dẫn, tiếp sức cho đồng bào đến viếng Đại tướng; hàng nghìn thanh niên quỳ dọc hai bên đường khi linh cữu của Người đi qua... Những hình ảnh đó cho thấy, thanh niên Việt Nam đã nhận ra được giá trị văn hóa đích thực của cuộc sống. Điều đó khiến cho Đảng và Nhà nước, thế hệ đi trước có lòng tin hơn đối với thế hệ trẻ.

Xã hội - Đại tướng Võ Nguyên Giáp hướng chúng ta tới chân-thiện-mỹ (Hình 2).

Thiếu tướng Lê Văn Cương "nhân cách của Đại tướng sẽ trường tồn mãi với thời gian".

Thông điệp đỏ với thế hệ sau

Chiến thắng vượt không gian và thời gian

Lấp lánh đằng sau đó là giá trị đích thực của cuộc sống, một chân - thiện - mỹ vẫn ở trong tâm hồn của hàng triệu thanh niên Việt Nam. Đây là chiến thắng quan trọng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho thế hệ sau, chiến thắng này sẽ trường tồn mãi với thời gian chứ không đơn thuần là chiến thắng cuối cùng. Chiến thắng này sẽ vượt lên mọi thời gian, không gian để sống mãi với dân tộc".

Võ Đại Tướng ra đi trong bối cảnh kinh tế đất nước đang có nhiều khó khăn thử thách, tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tha hóa ở một bộ phận nhỏ trong bộ máy công quyền có chiều hướng gia tăng thì việc hàng chục triệu người xúc động, dành trọn sự tôn kính cho Đại tướng là một thông điệp gửi đến những người lãnh đạo, có trọng trách với dân tộc Việt Nam hiện tại.

Theo cách nói của Tướng Cương, thì muốn hay không họ (một số nhỏ những người lãnh đạo) vẫn phải suy nghĩ đến những trọng trách của mình đối với đất nước, đối với dân tộc. Phải suy nghĩ đến cách sống, đến nhân cách của mình, có chỗ nào chưa chấp nhận được, chưa trọn vẹn thì phải thay đổi, điều chỉnh.

"Người ta sẽ nhìn vào Đại tướng, nhìn vào sự tôn kính mà hàng triệu đồng bào dành cho vị tướng huyền thoại ấy như một tấm gương lớn để soi lại mình. Nếu anh tâm huyết với đất nước, với nhân dân thì không thể không suy nghĩ được. Đây chính là giá trị đích thực nhất mà sự ra đi của Tướng Giáp đối với tình hình hiện nay. Tôi cho rằng, bác Giáp của chúng ta không mất đi, tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách của Đại tướng sẽ trường tồn mãi với dân tộc", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Đại tướng đã trở về với đất mẹ, để lại niềm thương tiếc cho cả dân tộc và bạn bè năm Châu, nhưng giá trị đích thực của sự mất mát ấy, sự ra đi của một con người vĩ đại đã để lại một dấu ấn cho cả xã hội bừng tỉnh. Và muốn hay không, ở góc độ này góc độ kia chúng ta phải soi lại mình.

Không chỉ nhân sĩ, trí thức, những người lãnh đạo mới cảm nhận được giá trị thức tỉnh sau sự ra đi của vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, mà chính những người dân bình dị, cảm nhận của họ thật mãnh liệt, chân thực. Trong tác phẩm gửi đến tham dự cuộc thi "Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp" độc giả Phạm Anh Xuân (Bố Trạch - Quảng Bình) đã minh chứng cho sự thức tỉnh ấy.

Bài viết của anh khiến nhiều người xúc động: "Hơn 102 năm trước, Võ Giáp (tên khai sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cất tiếng khóc chào đời (25/8/1911) chắc chẳng mấy ai quan tâm ngoài gia đình cụ Võ Quang Nghiêm (thân sinh Đại tướng). Nhưng khi thời khắc Đại tướng đi về cõi vĩnh hằng đã trở thành tiêu điểm thời sự của cả Việt Nam và thế giới, loài người tiến bộ trên khắp năm Châu nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của danh tướng văn võ toàn tài đã đi vào huyền thoại". Quả thật, khoảng thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lúc trút hơi thở cuối cùng (4/10/2013) đến khi về nằm trong lòng đất mẹ Quảng Bình (13/10/2013) là bấy nhiêu ngày, khắp nơi nơi đâu đâu cũng thấy xúc động, lòng tiếc thương trào dâng.

"Tôi bắt đầu lùng đọc tất cả những gì về người được xem là "1 trong 10 vị tướng vĩ đại nhất của thế giới". Chỉ một lời giới thiệu thôi, cũng đủ thấy tầm cỡ của một con người sao mà lớn lao vời vợi quá, hơn thế còn đưa vị thế của một nước - nơi sản sinh ra con người đó lên tầm cao của thời đại, sánh ngang cùng thế giới. Ôi, cũng là con người nhưng phải chăng là những năm tháng qua ta đã "sống hoài, sống phí", đã đọc những gì, đã xem những gì, đã nghe những gì - những điều tầm thường nhỏ nhặt, đôi khi khiến con người ta trở nên mụ mị, đớn hèn. Thật may, giây phút con người vĩ đại ấy nằm xuống đã thức tỉnh những u mê. Người đã cho ta biết phải sống sao cho đúng chữ Người", độc giả Phạm Anh Xuân chia sẻ trong tác phẩm dự thi của mình.     

Thắp lên ngọn lửa đoàn kết, nhân văn

Chứng kiến những giọt nước mắt tiếc thương xen lẫn tự hào của nhân dân cả nước, chúng ta nhận ra một điều kỳ diệu. Đã lâu lắm rồi đất nước mới chứng kiến một sự biểu thị tình cảm sâu rộng, chân thành, tự nguyện, tự giác đến thế. Dường như cả dân tộc đã gắn kết lại trong một nỗi đau chung. Sự ra đi của vị Tướng huyền thoại đã thức tỉnh, lay động lòng người, nói đúng hơn là đã thắp lên ngọn lửa đoàn kết, nhân văn, thắp lên một khát vọng sống có ích, sống có trách nhiệm, hướng tới mục tiêu cao đẹp, trong cộng đồng dân tộc.

Quốc Triều

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.