Đảm bảo quyền thụ hưởng của người lao động

Vương Thị Thảo

Vương Thị Thảo

Thứ 7, 22/10/2022 15:26

Doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn không đóng đủ BHXH làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người lao động, tác động tiêu cực đến các vấn đề xã hội, dân sinh.

Thời gian qua, BHXH các tỉnh, thành đã nỗ lực thực hiện các giải pháp thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2022, số tiền nợ BHXH, BHYT chiếm 5,1% (khoảng 23.000 tỉ đồng) so với số phải thu. Các cơ quan chức năng đặt mục tiêu kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng nợ đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp (DN) không có khả năng thu hồi nợ.

Hàng ngàn tỉ đồng nợ khó đòi

Theo thống kê của BHXH TP Hà Nội, đến đầu tháng 8/2022, trên địa bàn có gần 76.000 đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH hơn 4.905 tỉ đồng (tăng hơn 142 tỉ đồng so cùng kỳ năm trước). Trong đó, số nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, thuộc diện không thể thu hồi gần 1.367 tỉ đồng (chiếm 27,9% tổng số nợ). Tương tự, tại TP HCM số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tạm tính đến đầu tháng 8 năm nay gần 3.000 tỉ đồng.

Đời sống - Đảm bảo quyền thụ hưởng của người lao động

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tân Bình, TP HCM hướng dẫn thủ tục khởi kiện đòi nợ BHXH cho người lao động. Ảnh: Mai Chi

Tại tỉnh Thanh Hóa, tính đến đầu tháng 10/2022, trên địa bàn có 5.211 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN, với tổng số tiền hơn 544 tỉ đồng. Trong số này, có 4.427 DN nợ 515,293 tỉ đồng, riêng nhóm DN nợ khó thu do mất tích, phá sản, giải thể, dừng hoạt động... có 490 DN với 104,721 tỉ đồng. Đại diện BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của địa phương này là 240 tỉ đồng (chiếm 6,95% số phải thu). Đáng chú ý, trong đó có 88 tỉ đồng nợ của các DN giải thể, phá sản ngừng hoạt động khó có khả năng thu hồi được. Tại Đà Nẵng, đại diện BHXH cũng cho hay số tiền đơn vị, DN địa phương chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN gần 300 tỉ đồng (có 70% nợ khó đòi), chiếm 5,2% số phải thu.

Theo BHXH Việt Nam, trong tổng số nợ BHXH khoảng 3.500 tỉ đồng khó đòi thuộc về các DN phá sản, giải thể, mất tích hay chủ là người nước ngoài đã trốn khỏi Việt Nam... không có khả năng trả nợ BHXH, BHYT, BHTN, ảnh hưởng quyền lợi của hơn 200.000 NLĐ. Việc giải quyết các chế độ BHXH phải căn cứ trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH. Ðiều này đồng nghĩa với chỉ những ai thực hiện theo luật định mới thuộc đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH. Do vậy, khi DN không đóng BHXH cho NLĐ thì quyền lợi của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lập quỹ dự phòng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp

Trước tình trạng nhiều DN đã trừ tiền BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ nhưng lại chiếm dụng và không trích nộp về cơ quan BHXH, dẫn đến NLĐ khi nghỉ việc không được chốt sổ BHXH để hưởng các chế độ BHXH, nhiều chuyên gia đề xuất xem xét việc thành lập quỹ dự phòng trợ cấp BHTN để giải quyết chế độ BHTN cho NLĐ trong các trường hợp chủ DN bỏ trốn. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật cần quy định chi tiết về quản lý nợ BHXH đối với các đơn vị, DN mất tích, chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản, ngừng giao dịch; có cơ chế, chính sách giải quyết quyền lợi cho NLĐ trong các DN có chủ sở hữu bỏ trốn.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết BHXH Việt Nam và các bộ, ngành đã phối hợp để có các phương án xử lý nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ. Cụ thể, từ tháng 1-2022, Bộ Công an và BHXH Việt Nam đã có quy chế phối hợp toàn diện. Hai ngành đã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BHXH, kết hợp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin… nhắc nhở, đôn đốc, thông báo đối chiếu đến các đơn vị, DN nợ đọng BHXH. Hiện ngành BHXH đang chuyển đổi số mạnh mẽ, trên 30 triệu người cài ứng dụng VssID sẽ nắm được thông tin đóng BHXH, giám sát cùng các cơ quan nếu đơn vị chậm đóng cho NLĐ. "Theo quy định, 6 tháng cơ quan BHXH sẽ công khai danh sách đơn vị, DN chậm đóng BHXH và trong 1 năm gửi cho từng NLĐ để biết tình hình tham gia" - ông Nguyễn Thế Mạnh nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho hay hiện hồ sơ dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo kế hoạch, dự án luật này sẽ được Bộ LĐ-TB-XH trình Chính phủ tháng 6/2023, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2023. Trong dự án Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu bổ sung chương mới về quản lý thu nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình tổ chức thu; xử lý vấn đề chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Ngăn nợ mới phát sinh

Tại các hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và công tác khám chữa bệnh BHYT mới đây, lãnh đạo BHXH Việt Nam chỉ đạo trong những tháng cuối năm 2022, BHXH các tỉnh, thành cần quyết tâm, nỗ lực, linh hoạt hơn nữa trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, ngoài bám sát, theo dõi dữ liệu hoạt động của DN, tăng cường rà soát, kiểm tra dữ liệu từ cơ quan thuế chuyển sang để phát hiện số người tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia. BHXH các tỉnh, thành cần đẩy mạnh thanh tra đột xuất các đơn vị có dấu hiệu vi phạm; chủ động đề xuất và tích cực tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để đôn đốc thu, thu nợ. Ngoài ra, thực hiện linh hoạt các giải pháp để ngăn chặn nợ mới phát sinh, triệt để thu nợ cũ; phối hợp với cơ quan chức năng ngay từ sớm để ngăn chặn, xử lý khi có dấu hiệu trục lợi, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Thu Hà

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star
Tag: BHXH

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.