Chiều 21/4, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có báo cáo về hiện trạng và phương án phòng ngừa, cải thiện đầm chứa nước trước cống số 6, thuộc xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ.
Theo kết quả lấy mẫu nước kiểm tra, phân tích của Viện Sinh học nhiệt đới (TP.HCM), hiện tượng nước đổi màu hồng tím và bốc mùi là do tảo nở hoa.
Cụ thể, hiện tượng nước màu hồng ở đầm chứa nước trước cống số 6 tại xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là do sự phát triển mạnh của tảo lục D. Salina, làm cho mật độ tế bào tăng cao. Đồng thời, trong tế bào tích lũy một lượng lớn sắc tố B (ký hiệu hóa học bêta) - carotene. Sắc tố này có màu hồng đỏ làm cho nước trong đầm có màu hồng.
Điều kiện môi trường thuận lợi cho D. Salina phát triển mạnh và tích lũy nhiều sắc tố B - carotene là độ mặn cao, ánh sáng mạnh và dinh dưỡng trong nước nhiều.
Loại tảo này không gây ảnh hưởng cho sinh vật và con người, ngược lại còn có ích, được các loài thủy sinh vật sử dụng như là một nguồn thức ăn. Tuy nhiên, do hàm lượng chất hữu cơ lơ lửng trong nước và tích lũy trong trầm tích ở điều kiện trao đổi nước kém, đọng lâu ngày làm cho các vi sinh vật kỵ khí hoạt động mạnh, dẫn đến phát sinh các mùi khó chịu.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn đề xuất nghiên cứu sâu hơn về tảo D.salina để hiểu rõ hơn quy luật phát triển, các điều kiện môi trường chi phối từ đó có giải pháp phù hợp để quy hoạch, sử dụng, khai thác đầm có "cảnh quan đặc biệt" phục vụ phát triển du lịch; nghiên cứu sâu và nuôi cấy thương mại để làm thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, làm dược phẩm và thực phẩm chức năng…
Pu Han (theo Người Lao Động, Zing News)