“Là một người đàn ông đồng tính, độc thân, tôi đã dành cả đời để lo lắng về việc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV. 2 năm qua, tôi cũng lo lắng nhiều về Covid. Tôi không thể tin rằng giờ đây mình phải lo lắng về một căn bệnh truyền nhiễm khác”.
Đó là lời kể của Paulo, một giám đốc nhà hát người Bồ Đào Nha, 34 tuổi.
“Tôi thực sự lo lắng về bệnh đậu mùa ở khỉ… Tôi không muốn mắc phải thứ gì đó để lại những vết sẹo vĩnh viễn, những nỗi đau về thể xác, hay buộc tôi phải cách ly vài tuần trong lúc tận hưởng kỳ nghỉ hè của mình”, anh nói.
Do không được tiếp cận vắc-xin ở Bồ Đào Nha, Paulo đến Lille, miền Bắc nước Pháp. Thành phố nằm sát biên giới với Bỉ đã trở thành một địa điểm hành hương bất ngờ đối với người dân các nước lân cận vì luôn nhiệt tình đón tiếp du khách nước ngoài, dù thực tế là chính phủ Pháp dự trữ vắc-xin đậu mùa khỉ cho công dân Pháp.
Vi-rút đậu mùa khỉ hiếm khi gây tử vong, nhưng nó có thể gây ra những tổn thương dưới da cực kỳ đau đớn, suy nhược hàng tuần liền, và những vết sẹo không bao giờ mất hẳn.
Đa số trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được công bố ở châu Âu là ở những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới. Do đó, họ đã tự mình tìm cách tiêm phòng, thậm chí đi sang bên kia biên giới để tìm kiếm vắc-xin.
Hành trình đến Lille - chỉ cách Brussels khoảng một giờ đi tàu - không chỉ dành cho những người đàn ông lo ngại về tác động sức khỏe của bệnh đậu mùa khỉ như Paulo.
Wouter, một kiến trúc sư 28 tuổi làm việc tại Brussels, thủ đô Bỉ, cho biết anh đã đến thành phố của Pháp vào cuối tuần để tiêm phòng nhằm giảm bớt sự lo lắng do “thời gian cách ly kéo dài hàng tháng và sự kỳ thị của xã hội” nếu anh mắc bệnh.
“Tôi không lo lắng về cái chết, nhưng tôi lo lắng về việc bị sẹo, và việc phải nói với đồng nghiệp rằng tôi đã mắc phải thứ bệnh mà xã hội kỳ thị”, Wouter nói.
Du lịch vắc-xin
Do nguồn cung vắc-xin hạn chế ở các nước, nhiều người dân đã phải sang nước khác để được tiếp cận vắc-xin. “Du lịch vắc-xin”, một trào lưu nổi lên sau khi dịch Covid-19 bùng phát, đã quay trở lại.
Mùa hè vừa rồi, nhiều người Bỉ đã tràn qua biên giới với Pháp để được tiêm loại vắc-xin này.
Theo ông Samy Soussi, thành viên Hiệp hội HIV ExAequo có trụ sở tại Brussels nói rằng “Chúng tôi nghe người ta kháo nhau rằng người Bỉ cũng được tiêm phòng ở Pháp”.
ExAequo thậm chí đã liên hệ với trung tâm tiêm chủng ở Lille để tổ chức xe đi lại cho người Bỉ đến tiêm vào ngày 6/8.
Khoảng 90% những người được tiêm chủng trong ngày 6/8 đến từ Bỉ, Tòa thị chính Lille cho biết.
Lille không phải là thành phố duy nhất của Pháp bước vào thử thách tiêm chủng cho tất cả những ai muốn tiêm. Các phòng khám ở Paris và một số thành phố ở biên giới Pháp-Italy đang tuân theo các quy trình tương tự.
Cơ quan y tế vùng Hauts-de-France cho biết các trung tâm tiêm chủng của họ được yêu cầu “sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của cư dân biên giới Bỉ, với điều kiện không ảnh hưởng đến việc tiêm chủng của người Pháp”.
Tại thủ đô của Pháp, người nước ngoài cũng đã được tiêm chủng vắc-xin phòng đậu mùa khỉ.
“Du khách nước ngoài đã tận dụng cơ hội tiêm phòng ngay trong chuyến du lịch của mình, trung tâm chăm sóc sức khỏe tình dục dành cho người LGBT Checkpoint Paris cho biết.
Bất bình đẳng trong tiếp cận
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được tiêm phòng.
“Chúng tôi chỉ chấp nhận những người sống ở Savoie”, Silvere Biavat, một bác sĩ ở thị trấn Chambery, tỉnh Savoie, Pháp cho biết.
Ông cho biết thêm, trung tâm đã bị “quá tải bởi các cuộc gọi từ Thụy Sĩ” và đã phải từ chối do thiếu nguồn lực.
Sau khi bị từ chối cuộc hẹn ở Pháp, Sergio, một người đàn ông 41 tuổi sống ở Geneva, đã tìm kiếm một địa điểm xa hơn. Đầu tiên, ông đã thử tìm kiếm ở Bồ Đào Nha, quê hương ông, sau đó ở Mỹ, rồi cuối cùng nhận được một cuộc hẹn ở London.
“Tôi đã trả gần 600 Euro (598 USD) cho chuyến bay vào phút chót từ Geneva đến London”, ông nói. “Rất tốn kém và không công bằng vì không phải ai cũng có thể làm được điều này”.
Sự bất bình đẳng trong tiếp cận đã thúc đẩy các tổ chức và chuyên gia chăm sóc sức khỏe trên khắp châu Âu kêu gọi các thỏa thuận ngoại giao mới để chia sẻ liều lượng với các quốc gia có nhu cầu.
“Không lý nào các nước như Pháp, Đức và Hà Lan có một số lượng lớn vắc-xin, trong khi các nước như Tây Ban Nha - một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới từ đậu mùa khỉ - chỉ có 17.000 liều”, Toni Poveda, Giám đốc Tổ chức Phòng chống HIV Tây Ban Nha CESIDA, bức xúc nói.
Sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ tại châu Âu từ tháng 5 khiến cả thế giới kinh ngạc. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên loại vi-rút này bùng phát ở nơi nó chưa từng lưu hành, nhưng quy mô của cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là chưa từng có.
Cơ quan ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế châu Âu (HERA) đã đặt hàng 110.000 liều vắc-xin sử dụng quỹ chung của EU hồi đầu tháng 6. Tại thời điểm đó, mới chỉ có 299 trường hợp được báo cáo lên Liên minh châu Âu, do đó Ủy ban châu Âu cho biết số hàng này sẽ đủ “để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, tức thời nhất của các quốc gia thành viên”.
Tuy nhiên, các cơ quan y tế quốc gia đã đánh giá thấp tốc độ lây lan của vi-rút đậu mùa khỉ.
Tính đến ngày 22/8/2022, đã có 16.750 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được thông báo từ 29 quốc gia châu Âu, chủ yếu là ở Tây Ban Nha (6.119), Đức (3.295), Pháp (2.889), Hà Lan (1.090), Bồ Đào Nha (810), Italy (689), và Bỉ (624).
Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Trước tình hình này, một số quốc gia đã nhanh chân triển khai tiêm vắc-xin cho người dân. Tuy nhiên, một số quốc gia được trang bị tốt hơn nhiều so với những quốc gia khác.
Một số quốc gia, như Hà Lan, Pháp và Mỹ, đã có nguồn cung cấp vắc-xin đáng kể của Bavarian Nordic trong các cửa hàng trước khi bệnh đậu mùa khỉ xảy ra.
Những nước khác, như Italy, Tây Ban Nha hay Thụy Sĩ, thì không. Bất chấp một cơ chế được tăng cường để mua chung, các quốc gia châu Âu đang cạnh tranh với nhau và với cả EU vì nguồn cung vắc-xin hạn chế.
Lý do là vì các cơ quan quản lý châu Âu chỉ cấp phép cho một loại vắc-xin đậu mùa khỉ duy nhất là vắc-xin Imvanex do Bavarian Nordic, một công ty dược phẩm khá nhỏ của Đan Mạch sản xuất và tiếp thị ở châu Âu.
Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ dân chúng, chính phủ Thụy Sĩ ngày 24/8 đã thông báo họ sẽ mua 100.000 liều vắc-xin.
Chính phủ Đức đã đặt hàng 240.000 liều trực tiếp từ Bavaria Nordic - nhiều hơn số lượng của Ủy ban châu Âu dành cho lục địa này - trong đó 40.000 liều đã được giao. Ngoài ra, Đức còn được tặng thêm 5.300 liều.
Bỉ đã tự đặt hàng 30.000 liều, nhưng cho đến nay chỉ nhận được 3.040 liều từ đơn đặt hàng của EU. Số lượng này được ưu tiên cho phụ nữ thuộc cộng đồng LGBT, nam giới quan hệ tình dục đồng tính bị nhiễm HIV hoặc lây truyền qua đường tình dục, và một số trường hợp tiếp xúc hiếm gặp.
Trong khi đó, số lượng vắc-xin này ở Pháp lại nhiều hơn rất nhiều. Dù con số chính xác vẫn chưa được công bố, nhưng hơn 53.000 liều đã được sử dụng tại quốc gia này.
Marc Dixneuf, người đứng đầu tổ chức AIDES của Pháp, nói: “Những gì chúng tôi muốn là một phản ứng phối hợp ở cấp độ châu Âu và trong Tổ chức Y tế Thế giới, chứ không chỉ Liên minh châu Âu - bởi vì trong đó có cả Thụy Sĩ”.
Các nhà chức trách y tế Pháp cho biết họ đang liên hệ với Bỉ và Thụy Sĩ để thảo luận về việc tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ xuyên biên giới, bao gồm cả vấn đề tài chính.
Nguyễn Tuyết (Theo Channel News Asia, New York Times, Politico.eu)