Dân đô thị đua nhau trồng rau sạch tại gia

Dân đô thị đua nhau trồng rau sạch tại gia

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Nằm ngay cạnh vựa rau cung cấp chính cho toàn thành phố nhưng lo ngại nguy cơ rau bị ô nhiễm, nhiều gia đình ở khu chung cư Linh Đàm và địa bàn lân cận đành chủ động canh tác rau sạch phục vụ cho bữa cơm gia đình.

Trước tình trạng những "cơn bão" rau phun thuốc kích thích tăng trưởng độc hại, rau không rõ nguồn gốc trên thị trường, cư dân ở một số khu chung cư đang hợp tác trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn gia đình. Trồng rau dưới gốc cây, ban công gia đình hay những khoảng đất trống... đang là trào lưu rầm rộ tại các tại khu chung cư ở Hà Nội.

Tận dụng đất trồng rau sạch

Dọc tuyến đường từ cầu Dậu - Linh Đàm dẫn vào xã Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội), nhiều người đi qua không khỏi trầm trồ bởi ngay bên phía tay phải là một vườn rau xanh mát mắt, mùa nào thức nấy. Bác Phương (cán bộ hưu trí, hiện ở tại khu chung cư CT1X2, khu đô thị Linh Đàm) cùng hàng trăm hộ dân khác ở quận Hai Bà Trưng được điều chuyển về khu tái định cư này sinh sống bắt đầu từ cuối năm 2011. Khi đó, vườn rau tạm thời hiện nay vốn được thiết kế để trồng hoa, bị cây cỏ mọc um tùm. Thấy đất bỏ hoang phí quá nên bác Phương đã vận động thêm một số người dân cũng là cán bộ hưu trí đang sống tại khu chung cư đề xuất ban quản lý tòa nhà cho phép tận dụng để canh tác rau xanh, cải thiện đời sống.

Từ đó, mảnh đất hoang phí người dân "bắt đất nở rau"?. Mỗi người đảm nhiệm một mảnh vườn nhỏ 5-10m2. Bác Phương chia sẻ: "Nan giải nhất là khâu dọn dẹp trước khi canh tác. Chúng tôi phải mất 2 ngày để cuốc đất và nhặt gạch đá chất sang một bên, phát quang bụi rậm. Phần đất còn lại được san bằng, rồi kiếm bèo hoa dâu về ủ và trộn với đất để trồng rau. Ban đầu, đường ống dẫn nước tưới rau là một dây dẫn nước từ trên tầng của khu chung cứ xuống, nhưng phương pháp này khá phiền phức và đường ống nước chạy nhìn rất mất mỹ quan nên mọi người đã chung nhau bắt đồng hồ nước riêng để sử dụng".

Xã hội - Dân đô thị đua nhau trồng rau sạch tại gia

Nhìn những cư dân ở đây hào hứng với bộ dạng chân xỏ ủng cao su, tay cầm bình nước vòi hoa sen... len lỏi vào từng luống cây xanh mướt, ai cũng phải trầm trồ. Bác Phương cho biết, từ đây, rau củ ở các vùng quê cũng tề tựu về: Hẹ hương, húng quế, thì là, mơ tam thể, mồng tơi, rau đay, đậu bắp... Thậm chí, ngay cả mảnh đất sát tường tòa nhà hay diện tích đất nhỏ quanh mỗi gốc cây đều được tận dụng để trồng rau. Trên những nắp cống của chung cư, người ta đặt thùng xốp để trồng rau hoặc triệt để hơn nữa là diện tích nhỏ hẹp của khu ban công cũng được trưng dụng.

Chị Lan Anh cho biết: "Ở chung cư này, diện tích mỗi nhà từ 70m2 trở lên nên không gian khá thoải mái. Nhiều gia đình trồng rau cải ngoài ban công. Ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh nên không gian thoáng đãng, sạch sẽ. Thậm chí, tầng thượng của chung cư còn là nơi lý tưởng để canh tác rau trong hộp xốp". Hàng chục hộp xốp với các loại rau chủ yếu là rau mầm và rau ăn lá... nằm san sát nhau, hứa hẹn một nguồn rau xanh dồi dào, những bữa ăn an toàn và ngon miệng cho những người dân khu này.

Chị Lan Anh kể thêm, nguồn rau xanh được canh tác dưới đất cộng với rau trồng ở ban công và trên tầng thượng đủ để cung cấp cho cả gia đình gồm 5 người như nhà chị. Trong khi đó, rau sạch của những cư dân cần mẫn trồng, nhà ăn không hết còn bán cho nhiều người. Có nhiều người ở sâu trong làng nhưng cũng không yên tâm bởi nguồn rau của đất nhà mình, hàng tuần ra đây đặt mua rau cho cả gia đình ăn. Tuy nhiên, do không chủ đích trồng rau để bán mà chỉ trồng để sử dụng nên nguồn cung cấp rau không đều. Bà Phương cho biết thêm, với nguồn rau sạch này, phần lớn phụ thuộc vào thời tiết và sự chăm bón đơn thuần là nguồn nước sạch nên không phải lúc nào cũng có sẵn rau theo yêu cầu của khách. Vì thế, nơi đây không có những loại rau trái mùa.

Làm sao thoát "án oan" rau bẩn?

Trong khi đó, đi sâu vào trong làng, đoạn đường ngay sát chùa Bằng là ruộng rau của bà con nông dân xã Thanh Liệt. Các hộ dân nơi đây đều sống bằng nguồn lợi từ việc gieo trồng hoa màu. Ngoài việc tự cung tự cấp, nơi đây còn là vựa rau cung cấp cho toàn thành phố và các xã lân cận. Các loại rau chủ yếu là rau muống, rau cần, cải xoong, cải xanh...

Bà Phạm Thị Toán (xã Thanh Liệt) cho biết, gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác sống bằng thu nhập từ việc bán rau nên nguồn rau phải đảm bảo số lượng. Vì thế, việc sử dụng phân bón hay chất kích thích được coi như một công cụ hỗ trợ thêm. Công đoạn này chỉ sử dụng trước khi rau thu hoạch từ 1 - 2 ngày để tạo độ mỡ màng, bắt mắt cho rau.

Những người dân sinh sống trong khu thường chủ động mua trước khi dùng thuốc thì rau vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, bà Toán khẳng định, chỉ những khi thời tiết không thuận lợi, họ mới dùng đến phương pháp trợ giúp này, bởi khách đều là mối quen ở những xã lân cận nên người trồng rau phải giữ chữ tín.

Xã hội - Dân đô thị đua nhau trồng rau sạch tại gia (Hình 2).

Nguồn nước ô nhiễm vẫn được tưới cho rau ở xã Thanh Liệt

Hiện nay, điều khiến vựa rau của Thanh Liệt khó cạnh tranh với những nguồn hàng từ nơi khác là bởi hầu hết rau được "nuôi dưỡng" bằng nguồn nước "bẩn", vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bà Lành - người trồng rau ở đây cho biết, từ ngày nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, thu nhập từ trồng rau màu sụt giảm đáng kể, do giá rau của xã luôn bị ép giá hơn những vùng khác. Nếu như năm ngoái, các gia đình có thu nhập bình quân 1 - 2 triệu đồng/ngày từ việc cung cấp rau thì năm nay chỉ bằng 1/3.

Bà Nguyễn Thị Phồn bức xúc nói: "Gia đình tôi có 8 miệng ăn đều trông chờ vào gánh rau. Nước tưới rau bị ô nhiễm nếu vẫn dùng để tưới thì trước sau gì cây cũng chết. Tám người trong nhà chỉ trông chờ vào thu nhập 300.000 - 500.000 đồng/ngày mà giá đầu vào cứ leo thang nên đời sống lại càng chật vật hơn".

Còn bà Toán thì trần tình: "Đến người dân còn chưa có nước sạch để dùng, vẫn hàng ngày chung sống với nước giếng khoan thì lấy đâu ra nước sạch mà tưới cho rau...". Ngay cả những người dân trong xã cũng hạn chế dùng rau trồng tại địa bàn mình sinh sống hoặc có đi chăng nữa cũng chỉ dùng của người quen để đảm bảo an toàn!?.

Từ ngày các hộ dân ồ ạt chuyển về khu tái định cư ở Linh Đàm, lượng rau tiêu thụ của vùng cũng tăng lên đáng kể. "Tuy nhiên, từ ngày có thông tin về hiện tượng xả thải của nhà máy dệt 19 - 5 (xã Thanh Liệt) ra nguồn nước của sông Tô Lịch, nhiều người dân khu chung cư lân cận trở nên e dè và hạn chế dùng nguồn rau này hơn" - bà Lành buồn rầu nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Cường (trưởng thôn Văn, xã Thanh Liệt) chia sẻ: "Giá bán các sản phẩm rau màu ở đây thường thấp hơn so với nơi khác. Gia đình tôi vẫn mua rau của các hộ người quen trồng. Tuy nhiên, từ ngày một số hộ dân ở khu chung cư lân cận chủ động về nguồn rau cho gia đình thì lượng bán rau của bà con trong xã cũng bị giảm đáng kể".

Cùng chung quan điểm với ông Cường, nhiều người dân xã Thanh Liệt cho biết, việc gieo trồng được nguồn rau sạch đúng nghĩa là mong muốn của tất cả những hộ dân Thanh Liệt. Vì thế, người dân nơi đây đang mong muốn chính quyền sớm có biện pháp xử lý nước thải hiệu quả cho sông Tô Lịch cũng như nguồn nước sạch cho dân để sinh hoạt, tưới tiêu, nhằm giúp những người nông dân thoát "án oan" rau bẩn.

Linh Nhi