Hiện nay, chốn công sở ở Hàn Quốc đang tồn tại một vấn nạn mà khiến thế hệ trẻ, nhất là đàn ông, cảm thấy kinh sợ và đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra. “Hoesik” là cách gọi văn hóa tụ tập ăn nhậu sau giờ làm tại các nhà hàng, quán karaoke ở Hàn Quốc. Theo tờ The Korea Herald, hầu hết dân công sở đều cảm thấy áp lực khi tham gia những sự kiện này.
"Đó là nguyên tắc ngầm tồn tại ở chốn công sở nếu bạn muốn được đánh giá tốt và thăng chức. Nhân viên không tham gia sẽ để lại ấn tượng không tốt đối với cấp trên", Song Jung-yup (38 tuổi), cựu nhân viên văn phòng, cho biết.
Theo hướng dẫn được Bộ Lao động và Việc làm công bố năm 2018, về mặt pháp lý, “hoesik” không phải là điều bắt buộc của công việc. Do đó, người lao động không được trả lương làm thêm giờ dù bị sếp ép tham gia. Mặc dù mục đích chính của “hoesik” là thúc đẩy sự gắn kết các nhân viên trong nội bộ các công ty, tăng cường sự giao lưu thân thiết, văn hóa này tiềm ẩn nhiều rủi ro và đang bị “bóp méo” quá nhiều.
Văn hóa “hoesik” ở Hàn Quốc là nỗi ám ảnh của nhiều người đàn ông.
Văn hóa bàn nhậu trở nên xấu xí
Tháng 5/2021, một người đàn ông gặp tai nạn và tử vong khi lái xe trong tình trạng say rượu. Trước khi xảy ra vụ việc bi thảm, người đàn ông đã tham gia tiệc nhậu với sếp. Tòa án Seoul nhận định đây nên được coi là tai nạn lao động theo Đạo luật Sức khỏe và An toàn lao động.
“Nạn nhân mới đảm nhận công việc này 70 ngày nên không thể từ chối đi nhậu với cấp trên. Rất khó để nói tai nạn này không hề liên quan đến ‘hoesik’”, Tòa án Seoul cho biết.
Văn hóa nhậu nhẹt vô độ là lý do chính khiến giới trẻ Hàn Quốc ghét “hoesik”. Sau những cuộc nhậu quá đà, một số nam giới trở nên mệt mỏi, không còn tinh thần làm việc vào ngày hôm sau. Nhiều người đàn ông ở Hàn Quốc trong độ tuổi còn trẻ coi đây là nét văn hóa “độc hại” khiến họ cảm thấy không thoải mái. Mặc dù vậy, họ không thể nào thoát khỏi và buộc phải thích ứng để sinh tồn.
Một người đàn ông 40 tuổi họ Chae nói với Korea Herald: "Hoesik không chỉ đơn giản là một bữa nhậu đơn thuần, mà còn là cách để tiếp cận và củng cố tinh thần nhóm".
Văn hóa này đã kéo theo một số hệ lụy.
Dù không mặn mà với những buổi tụ họp sau giờ làm, không ít bạn bè của Seo lại không thể nói lời từ chối. Người đàn ông này cho biết: "Nếu không đi ăn cùng sếp và đồng nghiệp, họ sẽ bị coi là 'không phù hợp' với văn hóa công ty và bị đánh giá là thiếu hòa nhập với mọi người. Điều đó có thể khiến họ bị lạc lõng, cô đơn ở nơi làm việc, sẽ không ai muốn gần gũi họ".
Văn hóa này liệu có bị mất đi?
Vào thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện, các cuộc ăn nhậu sau giờ làm đã bị hạn chế. Tuy nhiên khi mọi thứ quay trở lại bình thường sau đại dịch, nhiều người bày tỏ sự lo lắng về việc “hoesik” sẽ quay trở lại. Lim (33 tuổi), nhân viên văn phòng, tin rằng văn hóa này sẽ không bao giờ mất đi.
"Tôi hy vọng những thói quen không hợp vệ sinh như dùng chung ly sẽ biến mất trong giai đoạn ‘sống chung với Covid-19’. Thế nhưng, hoesik là một phần của cuộc sống văn phòng Hàn Quốc và điều đó sẽ không biến mất", Lim nói.
"Hoesik" đang cố gắng thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Mặc dù vậy, tờ Korea Times cho biết, văn hóa nơi làm việc này đã có nhiều sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. 64,5% nhân viên cho hay giờ đây họ cảm thấy thoải mái hơn khi từ chối lời mời tham dự cuộc nhậu mà không lo bị cấp trên đánh giá, trách phạt.
Khoảng 40% số người được hỏi cho biết văn hóa "hoesik" đã thay đổi theo hướng tốt hơn kể từ khi luật chống bắt nạt quy định việc ép buộc nhân viên tham gia cuộc nhậu là một hình thức bắt nạt nơi làm việc. Nhiều ý kiến cho rằng, giờ đây họ cảm thấy các cuộc gặp “hoesik” trở nên dễ thở, không còn kéo dài và mang tính chất bắt buộc nữa.
Ngọc Linh