Cao da lừa do Trung Quốc sản xuất (ảnh: Guardian)
Viện Các vấn đề Quốc tế Nam Phi (SAIIA) cho hay, Trung Quốc cần hơn 5 triệu con lừa mỗi năm để sản xuất cao da lừa – thứ thuốc được nhiều người coi là “thần dược”, giúp bồi bổ sức khỏe, trị thiếu máu, chống lão hóa. Số lừa trên chiếm khoảng 10% tổng đàn lừa toàn cầu.
Thị trường nội địa Trung Quốc chỉ đáp ứng được khoảng 2 triệu tấm da lừa/năm để sản xuất cao da lừa. Hơn 3 triệu tấm da lừa còn lại, Trung Quốc phải nhập khẩu từ Brazil, Pakistan, Úc và nhiều nhất là từ châu Phi.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của SAIIA chỉ ra rằng, 25% - 35% số da lừa Trung Quốc nhập khẩu từ nước ngoài có nguồn gốc từ việc đánh cắp. Nhiều gia đình ở châu Phi đang là nạn nhân của nạn trộm lừa lấy da.
Trong lịch sử Trung Quốc, cao da lừa là loại thuốc thường được sử dụng bởi các vua chúa, theo SCMP. Có tin đồn rằng Từ Hy Thái Hậu cũng từng dùng cao da lừa để dưỡng thai.
Thành phần chính của cao da lừa là collagen chiết xuất từ da lừa, kết hợp với các loại thảo mộc khác. Cao da lừa thường có dạng viên, khối hoặc lỏng. Cao da lừa hiện bày bán rộng rãi trên thị trường ở Trung Quốc và được nhiều người lớn tuổi ưa chuộng.
Theo SAIIA, đến những năm 2030, Trung Quốc sẽ có khoảng 400 triệu người trong độ tuổi nghỉ hưu. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ cao da lừa sẽ tăng thêm.
Tuy nhiên, lừa là loại sinh sản chậm. Thời gian mang thai của lừa thường kéo dài khoảng 1 năm. Đàn lừa có thể không kịp nhân giống trước nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc.
Số liệu thống kê vào năm 2020 cho thấy, thế giới có khoảng 53 triệu con lừa, 2/3 trong số này sống ở châu Phi.
Giết lừa lấy da ở Kenya (ảnh: Guardian)
Đối với những gia đình nghèo ở châu Phi, lừa là tài sản quý. Chúng được sử dụng để kéo xe hoặc mang vác hàng hóa nặng ở những khu vực khô cằn. Trước nhu cầu tiêu thụ da lừa khổng lồ ở Trung Quốc, nạn trộm lừa đang hoành hành ở châu Phi.
“Do giá da lừa ngày càng tăng, nạn trộm cắp trở nên tràn lan. Đôi khi cả một làng ở châu Phi bị trộm sạch lừa chỉ trong một đêm. Và do giá bán lừa quá cao, những người nghèo, sống phụ thuộc vào lừa không thể mua lại chúng”, Janneke Merkx – giám đốc quỹ từ thiện bảo tồn lừa The Donkey Sanctuary, có trụ sở tại Anh – cho biết.
Theo bà Merkx, thịt lừa không được ưa chuộng ở châu Phi và người dân châu lục này rất ít khi làm thịt lừa. Nhưng mọi thứ thay đổi kể từ khi giá lừa tăng chóng mặt do nhu cầu của Trung Quốc.
Nhiều nước châu Phi lo bảo vệ đàn lừa trước nạn trộm lừa lấy da bán sang Trung Quốc (ảnh: SCMP)
Hiệp hội Công nghiệp Cao da lừa ở Sơn Đông (Trung Quốc) cho biết, từ năm 2013 – 2020, thị trường cao da lừa Trung Quốc đã tăng từ 2,9 tỷ USD lên 7,8 tỷ USD.
Trong khi đó ở châu Phi, một số nước như Botswana và Kenya đã ra lệnh cấm buôn bán da lừa để bảo vệ đàn lừa.
Năm 2016, Senegal là một trong những nước đầu tiên ở châu Phi ra lệnh cấm giết và xuất khẩu lừa. Các nước Namibia, Sudan, Nam Sudan, Uganda, Tanzania và Zimbabwe sau đó cũng ban hành lệnh cấm giết mổ lừa.
Nigeria – nước đông dân nhất châu Phi – hiện có quy định cấm xuất khẩu lừa và đang xem xét cấm giết lừa trên toàn quốc.
Vương Nam – SCMP