Thông tin ban đầu trên Newsflare, một người dân ở Barabanki, Ấn Độ đang đi dạo bỗng phát hiện con trăn đột nhiên nhảy lên, săn một con dê và nuốt chửng nó. Sau khi thấy con trăn khổng lồ, người này liền hô hoán dân làng đến xem và sau đó báo cho cơ quan kiểm lâm.
Sau hai giờ, con trăn đã được giải cứu và thả vào rừng.

Trăn là loài động vật săn mồi, chúng có thể bò vào nhà dân để tìm kiếm các loài động vật nhỏ như gà, chuột, chim, mèo, hoặc các vật nuôi khác làm thức ăn.
Chạm trán với trăn lớn là một trong những điều tồi tệ nhất mà con người có thể gặp phải trong tự nhiên. Có không ít trường hợp bị trăn giết hại, nhưng cũng có những trường hợp sống sót. Làm cách nào để tránh phải đối đầu, hoặc nếu rơi vào tình huống đó thì phải làm thế nào?
Theo các chuyên gia, trăn thường không xem người là con mồi, trừ một vài trường hợp hãn hữu. Vậy nên điều đầu tiên khi chạm trán với trăn là không được kích động để con vật tấn công.
Đáng chú ý theo trang usgs.gov, khi gặp trăn cũng như rắn, cần bình tĩnh và từ từ rút lui, tránh tương tác hay đến gần chúng.
Những loài trăn lớn như trăn Miến Điện hay trăn gấm săn mồi bằng cách siết chặt. Trong trường hợp sơ suất để trăn lớn tấn công và siết chặt cơ thể, lựa chọn là không có nhiều. Nếu cảm thấy không đủ sức khuất phục con vật, một người cần giữ tư thế ngồi trên mặt đất, đưa cánh tay che lấy phần cổ để ngăn không cho con trăn siết chặt đường thở. Có trường hợp con trăn cảm thấy con người chỉ ngồi một chỗ chịu đựng, cho rằng đó không phải con mồi và bỏ đi.
Điều đáng nói, Phinyo Pukphinyo, chuyên gia bắt rắn dày dạn kinh nghiệm ở Thái Lan vẫn phải lưu ý rằng, nếu con trăn có lực siết quá mạnh thì chuyện một người mệt mỏi và không còn tiếp tục chống đỡ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Nếu có con dao hay que gậy, một người có thể đánh mạnh vào phần đầu trăn, thậm chí giết chết con trăn.
Ngoài ra, cơ hội tốt nhất là khi nắm được đuôi trăn hoặc có người đi cùng tóm lấy đuôi trăn, sau đó dùng sức để gỡ con trăn ra khỏi người.
Cách tốt nhất để tránh gặp rắc rối với trăn lớn là không đi một mình vào rừng, nơi vắng vẻ không có sự giúp đỡ.
Trúc Chi (t/h)