Một xe tăng Israel bị phá hủy ở hàng rào biên giới với Dải Gaza sau vụ tấn công của Hamas hôm 7/10. Ảnh: AP
Theo Al Jazeera, Hamas sử dụng đường không, đường biển và đường bộ để tấn công vào Israel. Ban đầu, nhóm vũ trang này sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công vào các trạm quan sát ở biên giới Israel. Sau đó, Hamas phóng hàng loạt rocket để áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel. Đó là những hoạt động định hình cơ bản để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo: Xâm nhập lãnh thổ Israel.
Một cuộc xâm nhập chưa từng có đã diễn ra, các tay súng Hamas bắt cóc dân thường và tấn công các mục tiêu quân sự Israel từ nhiều hướng.
Mối đe dọa lớn dần
Theo Al Jazeera, Hamas dường như đã học được từ nhiều nguồn khác nhau. Các tay súng này được truyền cảm hứng từ cơ sở hạ tầng quân sự và chiến lược chiến tranh của Hezbollah. Nhiều nguồn tin cho rằng, Hamas nhận tài trợ, đào tạo và vũ khí từ Iran.
Cây viết Philip Ingram của Al Jazeera cho rằng, Hamas đã vận dụng các bài học thu được từ các cuộc đụng độ trước với quân đội Israel, nghiên cứu chiến thuật được các chiến binh ở Jenin (Palestine) năm 2002 sử dụng, và kết hợp những cải tiến của nhóm với chất nổ tự chế (IED), mạng lưới đường hầm, chiến tranh tâm lý và chiến tranh phi đối xứng.
Hamas được cho là đã tận dụng chuyên môn của Iran để cải thiện khả năng sản xuất, độ chính xác cũng như tầm bắn của rocket tự chế.
Những cuộc đụng độ trong quá khứ với quân đội Israel, đặc biệt là trong cuộc chiến năm 2014 ở Dải Gaza, đã dạy cho Hamas giá trị của chiến tranh đô thị và việc sử dụng cơ sở hạ tầng dân sự làm lá chắn.
Theo cây viết Ingram, Hamas đã kết hợp các chiến thuật đó vào cuộc tấn công hiện tại, sử dụng các khu vực đông dân cư làm địa điểm phóng rocket và giấu vũ khí cũng như các trung tâm chỉ huy trong các công trình dân sự.
Lợi dụng điều này, Hamas có thể cáo buộc Israel vi phạm luật pháp quốc tế khi ném bom vào mục tiêu dân sự. Theo Al Jazeera, luật xung đột vũ trang thế giới nghiêm cấm nhắm mục tiêu vào dân thường của đối phương. Các bên tham gia xung đột không được phép thực hiện các hoạt động gần các công trình dân sự, đặc biệt là trường học, bệnh viện hay địa điểm thờ cúng như đền chùa.
Hamas được cho là đã học được rất nhiều từ những lần đụng độ với Israel. Ảnh: Getty
Bài học từ Jenin
Hamas được cho là đã có các bài học từ chiến thuật mà các tay súng Jenin áp dụng trong Trận Jenin năm 2002. Tháng 4 năm đó, Israel mở cuộc tấn công vào thành phố Jenin của Palestine.
Các tay súng ở Jenin đã kết hợp giữa chiến thuật của phe nổi dậy, chất nổ tự chế (IED) và chiến lược chiến tranh đô thị để đối phó quân đội Israel.
Một trong những bài học quan trọng mà Hamas học được từ trận Jenin là tính hiệu quả của IED trong việc gây sát thương và làm gián đoạn hoạt động quân sự của Israel. IED có chi phí thấp và dễ dàng che giấu, khiến chúng trở thành công cụ có giá trị cho chiến tranh phi đối xứng.
Kể từ đó, Hamas đã đưa IED vào kho vũ khí, dùng chúng để nhắm vào các phương tiện quân sự, phương tiện tuần tra và các cơ sở của Israel. Nếu Israel mở cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza, chắc chắn Hamas sẽ sử dụng IED nhiều hơn, theo cây viết Ingram của Al Jazeera.
Một trong những bài học lớn nhất mà Hamas học được từ các tay súng ở Jenin là tầm quan trọng của tính cơ động chiến lược và sự bất ngờ. Trong trận đánh năm 2002, các tay súng Jenin sử dụng hệ thống đường hầm để di chuyển, vận chuyển vật tư, làm nơi ẩn náu và là nơi phát động các cuộc tấn công bất ngờ.
Thấy được điều đó, Hamas đã phát triển và xây dựng hệ thống đường hầm quy mô, giúp họ vượt qua các trạm kiểm soát của Israel và thực hiện nhiều cuộc tấn công từ các địa điểm bất ngờ. Cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas đã đưa sự bất ngờ lên một tầm cao mới.
Việc sử dụng hệ thống đường hầm và các cơ sở dưới lòng đất giúp Hamas tránh được lực lượng tình báo Israel. Quá trình chuẩn bị cho cuộc tấn công ngày 7/10 được cho là mất nhiều tháng. Hamas nghiên cứu kỹ việc thu thập thông tin tình báo của Israel, xác định các nguồn tin của Israel rồi đánh lạc hướng sự chú ý của họ.
Dẫu vậy, Hamas chỉ có rocket, IED và một số vũ khí hạng nhẹ để đối đầu với một Israel sở hữu nhiều vũ khí hạng nặng và có sức mạnh không quân.
Đó là lý do nhóm vũ trang này áp dụng chiến lược chiến tranh phi đối xứng (dùng lối đánh du kích, phục kích, bắn tỉa) để gây thiệt hại cho đối thủ và giảm thương vong cho nhóm vũ trang này.
Theo cây viết Ingram của Al Jazeera, điều chưa rõ ràng là trạng thái cuối cùng mà Hamas kỳ vọng sau cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10. Ingram cho rằng mục đích cuối cùng của Hamas có thể là thúc đẩy nhiều nước ở Trung Đông cùng phối hđể đối phó Israel.
Nguyễn Thái - Al Jazeera