Các cầu thủ Ma Rốc chụp ảnh khi giương cao lá cờ Palestine.
Hôm 7/12, Ma Rốc (Morocco) đi vào lịch sử với tư cách là quốc gia Ả Rập đầu tiên lọt vào vòng tứ kết của World Cup, sau khi vượt qua đội tuyển Tây Ban nha trên chấm đá luân lưu 11 mét.
Các cầu thủ Ma Rốc sau đó đã ăn mừng và cùng nhau chụp ảnh lưu niệm. Lá cờ mà các cầu thủ cầm trên tay không phải quốc kỳ có màu đỏ với hình ngôi sao ở chính giữa mà là lá cờ Palestine.
Palestine có đội tuyển được FIFA công nhận nhưng chưa bao giờ lọt được vào vòng chung kết World Cup.
Là kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức ở Trung Đông, Qatar đã trở thành sân khấu cho nhiều vấn đề văn hóa và chính trị cấp bách nhất của khu vực. Điều này cũng phản ánh việc thể thao luôn ở một mức độ nào đó vẫn luôn có mối liên hệ với chính trị.
Các quốc gia Ả Rập ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine.
Sự xuất hiện của lá cờ Palestine ở Qatar, dù trên sân vận động hay được người hâm mộ cầm tại các địa điểm nổi tiếng, là một ví dụ mới nhất.
Cộng đồng người Palestine ở nước ngoài rất rộng lớn, với hàng triệu người hiện đang sống ở nhiều quốc gia khác nhau trên khắp Trung Đông, bao gồm ở Qatar.
Đối với thế giới Ả Rập nói chung, người Palesine luôn được đón chào và Palestine được coi là đại diện của thế giới Ả Rập trong cuộc đấu tranh với Israel.
Bader, một người Palestine sống ở Qatar, nói trên đài Al Jazeera: “World Cup đã cho chúng tôi một nền tảng để có thể đưa ra tiếng nói của mình”.
"Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đang ở đây tại Qatar và khi họ nhìn thấy chúng tôi ăn mặc như thế này, họ đến gặp chúng tôi và hỏi chúng tôi đến từ đâu”, Bader nói. “Mọi người biết về Israel, nhưng không phải ai cũng biết về Palestine. Không có Israel cho đến khi nhà nước này chiếm đóng Palestine”.
Biểu ngữ đấu tranh cho Palestine xuất hiện trên khán đài sân vận động ở Qatar.
Trong cuộc chiến tranh năm 1948, Liên minh Ả Rập thất bại trước người Do Thái, đánh dấu sự thành lập nhà nước Israel. Trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967, Israel một lần nữa giành chiến thắng và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ của các nước Ả Rập cho đến nay.
Những năm gần đây, Mỹ đã có những nỗ lực trung gian nhằm giúp các quốc gia Ả Rập và Israel bình thường hóa quan hệ. Năm 2020, UAE và Bahrain đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel trong một sự kiện diễn ra ở Nhà Trắng.
Nhưng đại đa số các nước Ả Rập vẫn căng thẳng với Israel và ủng hộ người Palestine.
Hôm 29/11, quốc vương Ma Rốc Mohammed VI tái khẳng định quan điểm của quốc gia Bắc Phi, rằng nước này ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô ở Đông Jerusalem.
Đăng Nguyễn - ABC News