Đánh giá kỹ đề xuất sửa nghị định chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 7, 10/12/2022 15:37

Chính phủ tiếp tục yêu cầu sửa quy định về trái phiếu nhằm tăng trách nhiệm của tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Tại Nghị quyết số 156 ban hành trong phiên họp thường kỳ tháng 11/2022, Chính phủ giao Bộ Tài chính đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất sửa đổi Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Điều này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Trước đó hồi tháng 9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153 (ban hành 31/12/2020). Tức chỉ trong một năm, đã có 2 lần Bộ Tài chính được yêu cầu sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Tại cuộc ngày 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm nay và đầu năm 2023.

Theo Chính phủ, việc tiến hành rà soát lại và có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các loại thị trường như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và hoạt động của các ngân hàng cũng đã được thực hiện.

Qua đó, có biện pháp cương quyết xử lý sai phạm để đưa các thị trường hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan.

Tài chính - Ngân hàng - Đánh giá kỹ đề xuất sửa nghị định chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Thủ tướng yêu cầu tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Chính phủ khẳng định, các biện pháp chấn chỉnh, việc xử lý các sai phạm này có tác động tới tâm lý thị trường, hoạt động của các thị trường ở mức độ nhất định nhưng là việc phải làm. Ngoài ra, việc chỉ đạo, điều hành Chính phủ đã bám sát, nắm bắt tình hình, có phản ứng chính sách, đưa ra các giải pháp phù hợp.

Cụ thể, từ tháng 10 tới nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp tháng 10, tháng 11; Thường trực Chính phủ đã ban hành 3 thông báo kết luận; Thủ tướng Chính phủ có 4 công thư gửi lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo Chính phủ đã có 1 quyết định, 1 chỉ thị, 5 công điện, 12 thông báo kết luận, 33 văn bản chỉ đạo, điều hành…; các bộ, ngành cũng vào cuộc để tập trung xử lý, ổn định tình hình.

Cũng tại Nghị quyết 156, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát, nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 16/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao tín nhiệm, tăng cường minh bạch thông tin và kiểm soát chặt chẽ rủi ro.

Ngoài ra, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, điều hành lãi suất/tỉ giá phù hợp với điều kiện thị trường, NHNN cần điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác.

Tài chính - Ngân hàng - Đánh giá kỹ đề xuất sửa nghị định chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (Hình 2).

Chính phủ yêu cầu tổ chức tín dụng khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ (Ảnh: Phạm Tùng).

Chính phủ cũng yêu cầu NHNN kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên tạo động lực tăng trưởng, trong đó có các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.

NHNN phải tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng trong các lĩnh vực nhiều nguy cơ, đảm bảo thanh khoản, an toàn của hệ thống, hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, USD hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.

NHNN được yêu cầu thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Theo đó tập trung xử lý nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém; chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả, có khả năng trả nợ, đáp ứng các quy định pháp luật;

NHNN có trách nhiệm đánh giá kỹ tình hình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại để có giải pháp thích hợp, trước mắt khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền việc điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.