Các thủ lĩnh phe đảo chính ở Niger hứng chịu lệnh trừng phạt của khối các quốc gia Tây Phi. Ảnh: Reuters
Theo Al Jazeera, tại một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp ở Nigeria ngày 30/7, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) yêu cầu phe đảo chính ở Niger phải trả tự do và khôi phục chức vụ Tổng thống cho ông Mohamed Bazoum trong vòng một tuần. Nếu không, khối này cho biết sẽ "thực hiện mọi biện pháp" để khôi phục trật tự hiến pháp ở quốc gia Tây Phi.
"Các biện pháp được đề cập đến có thể bao gồm cả sử dụng vũ lực", ECOWAS tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng các chỉ huy quân sự của khối này đã có cuộc gặp vào cuối ngày 30/7 (giờ địa phương).
Theo Al Jazeera, chưa rõ ECOWAS có thể sử dụng vũ lực ra sao. Năm ngoái, khối chính trị - kinh tế 15 thành viên này đã đồng ý thành lập một lực lượng an ninh khu vực để can thiệp chống lại đảo chính và nổi dậy vũ trang ở các nước thành viên. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về lực lượng này và nguồn tài chính của nó chưa rõ ràng.
Khối ECOWAS ngày 30/7 đã áp dụng các lệnh trừng phạt tài chính đối với lãnh đạo phe đảo chính ở Niger và quốc gia này, đóng băng "toàn bộ giao dịch thương mại và tài chính" của Niger với các thành viên của ECOWAS.
Trong một tuyên bố trên truyền hình quốc gia tối 30/7, ông Amadou Abdramane, thành viên chính phủ quân sự của phe đảo chính ở Niger, cho rằng mục đích của hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp "là phê chuẩn một kế hoạch xâm chiếm Niger, dưới hình thức can thiệp quân sự".
Ông Abdramane còn nói rằng: "Sự can thiệp có thể sẽ bao gồm việc hợp tác với các quốc gia ở châu Phi không phải thành viên của ECOWAS và một số nước phương Tây".
Tướng Mahamat Idriss Déby Itno, Tổng thống quốc gia Trung Phi Chad, ngày 30/7 đã tới thủ đô Niamey của Niger trong nỗ lực giúp giải quyết khủng hoảng chính trị tại đây, truyền thông Pháp đưa tin. Chuyến đi là do chính quyền Chad chủ động, không có bên nào tác động.
Ngày 26/7, Tổng thống Niger Mohamed Bazoum, nhà lãnh đạo thân phương Tây, bị các thành viên trong đội an ninh của ông bắt giữ. Các quan chức quân sự hàng đầu Niger sau đó thông báo ông Bazoum bị cách chức.
Tiếp đó, quân đội Niger đã nắm quyền kiểm soát đất nước với lý do lo ngại về tình hình an ninh tiếp tục xấu đi cũng như việc quản lý kinh tế và xã hội yếu kém của chính quyền ông Bazoum.
Cuối ngày 28/7, tướng Tiani ký lệnh đình chỉ Hiến pháp Niger, giải tán chính phủ, đồng thời tự phong mình là tân Tổng thống.
Sau cuộc đảo chính, Pháp và EU đã đình chỉ hợp tác an ninh và tạm dừng viện trợ tài chính cho Niger, trong khi Mỹ cảnh báo có thể có động thái tương tự với quốc gia Tây Phi. Nhiều quốc gia ở châu Phi cũng phản đối và chỉ trích kịch liệt cuộc đảo chính ở Niger.
Nguyễn Thái - Al Jazeera