Thời điểm năm 2020 - 2021, thị trường bất động sản nhiều khu vực lên cơn sốt nóng, theo đó, ngay cả các loại đất vườn, nông nghiệp cũng liên tục tăng giá mạnh. Tuy nhiên, đến nay, chỉ sau 1 năm với những lô đất tương tự nhiều chủ đất đã rao bán giảm khoảng gần 50% nhưng không có ai mua.
Mấy năm trước đây, thị trường rộ lên trào lưu "bỏ phố về rừng". Nhờ đó, giá đất vườn, đất rừng, đất trang trại nghỉ dưỡng trở nên sốt. Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, giá đất rừng, đất đồi tại các huyện vùng ven Hà Nội như Sóc Sơn, Ba Vì hoặc tại các vùng khác của tỉnh Hòa Bình như các huyện: Lương Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, Kỳ Sơn… tăng chóng mặt.
Nhiều lô đất được rao bán giảm giá tới 50% so với cùng kỳ năm trước
Khảo sát thị trường thời điểm trên, nhiều lô đất tại huyện Ba Vì lên tới 2 triệu đồng/m2 nhưng đến nay, chỉ sau 1 năm thị trường đã giảm về hơn 1 triệu đồng/m2, tức giảm khoảng gần 50% nhưng không có ai mua.
Đơn cử, một mảnh đất rộng 5.000m2 (trong đó có 500m2 là đất ở còn lại là đất vườn), tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đang được rao bán cắt lỗ với giá 5,5 tỷ đồng, tương đương 1,1 triệu đồng/m2. Theo người bán, mức giá này đã giảm tới 50% so với năm ngoái.
Nhiều chủ của các căn nghỉ dưỡng homestay đẹp long lanh, do khó khăn dòng tiền cũng phải rao bán
Tương tự, trên một nhóm chuyên về đất trang trại – đồi rừng, tài khoản Nguyễn Anh Lê thông tin: “Do gia đình có việc cần nên nhượng lại căn nghỉ dưỡng homestay có diện tích 700 m2 tại Cam Thượng – Ba Vì. Hiện trạng có 3 ngủ 2 wc, 1 khách bếp 1 phòng đọc sách và 1 phòng làm việc, 1 khu vui chơi trẻ con bằng gỗ ngoài trời , hồ cá Koi, bể sục nước nóng 4 mùa,…
Khu đất nằm trong khu làng cổ Đường Lâm nhưng địa giới lại thuộc Ba Vì vì cách 1 con đường, khu vực có nhiều dịch vụ ăn uống vui chơi. Đường vào 2 oto tránh nhau. Hiện nhà đang cho thuê 5 triệu/đêm cuối tuần. Giá 5.x tỉ."
Nhiều khu nghỉ dưỡng được chủ nhân hoàn thiện khá cầu kỳ, nay cũng mong được sang nhượng
Cũng tại Ba Vì, một tài khoản khác thông tin: Cần bán mảnh đất trong ngõ 3m có diện tích gần 1.500m2 tại xã Cẩm Lĩnh (trong đó có khoảng 150m2 là đất ở, còn lại là đất vườn) đang được rao bán với giá 2 tỷ đồng, tương đương 1,3 triệu đồng/m2. Chủ nhà cho biết, mảnh đất này thời điểm đầu năm 2021 được mua vào với giá 3 tỷ đồng. Nhưng đến nay, thị trường chững lại, chủ nhà đang cần tiền nên chấp nhận giảm giá mạnh.
Anh Nguyên, môi giới bất động sản tại Ba Vì tiết lộ, thực tế, rất nhiều mảnh đất vườn hiện đang bán cắt lỗ tới 50% so với đỉnh. Song, thanh khoản gần như “đóng băng”.
“Thực sự, thời điểm này, ai đăng tin là họ cần bán lắm, kẹp hàng rao để cắt lỗ thôi. Tầm này giá giảm sâu lắm, ai mà dùng "tiền thịt" để mua là thôi cứ để đó. Hầu hết, họ là người vay ngân hàng để đầu tư giờ phải thoát thì mới rao bán chạy", anh Nguyên chia sẻ.
Nhiều nhà đầu tư thừa nhận, thị trường thời điểm hiện tại có rao bán cũng không ai mua
Tương tự, tại thị trường các tỉnh miền Nam, giá đất nhiều khu vực cũng giảm từ 13% đến 30% mà vẫn không có ai mua.
Sở hữu mảnh đất 2.900m2 giá 2.3 tỉ đồng tại Định Quán (Đồng Nai), nhóm đầu tư anh Ch (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) đang nhìn giá đất giảm hơn 400 triệu đồng so với giá mua vào. Đây là mức giảm chung của khu vực khi mà hoạt động đầu tư – mua bán gần như tắt hẳn hơn nửa năm nay. Dù khá sốt ruột nhưng theo nhà đầu tư này, hiện tại có rao bán cũng không ai mua.
Từng góp tiền với bạn đầu tư lô đất vườn tại Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu với giá gần 2 tỉ đồng từ đầu năm 2022, anh Hùng (ngụ Q.7, Tp.HCM) kỳ vọng sang tay lời ngay, không ngờ đến nay giá lô đất không tăng lên mà còn giảm khoảng 200 triệu đồng so với giá mua vào.
Những mảnh đất vườn tại Lâm Đồng cũng chung tình trạng. Giá ghi nhận giảm từ 10-25%, tuỳ khu vực. Các mảnh đất được nhà đầu tư mua vào thời điểm 2020-2021, hiện đang “mắc kẹt” giao dịch. Thị trường khu vực này đã xuất hiện các thông tin rao bán nhà vườn, đất vườn hàng ngộp, giá rẻ.
Ghi nhận cho thấy, ngoài áp lực lãi vay thì nhiều nhà đầu tư muốn thu hồi dòng tiền để tái đầu tư những sản phẩm có nhu cầu thực hơn.
Đất vườn vốn là dòng sản phẩm “lướt sóng” kiếm bạc tỉ của nhà đầu tư. Đến nay, khi các phân khúc chậm giao dịch, loại hình này gần như “bất động”. Khá nhiều nhà đầu tư ôm đất vườn cách đây 1-2 năm chấp nhận câu chuyện bán lỗ hoặc may mắn là bán được ngang giá.
Theo một nhà đầu tư kì cựu trong lĩnh vực bất động sản, đất vườn sẽ là phân khúc bị ảnh hưởng và hồi phục chậm nhất. Lý do, đây là loại hình chủ yếu phục vụ nhu cầu đầu tư, đầu cơ, ở thực rất ít. Mặt bằng giá có thể sẽ trên đà suy giảm hoặc đi ngang cho đến hết năm 2024.
Theo thống kê, khách mua chủ yếu là nhà đầu tư chiếm tỷ lệ lớn 70% - 80%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính lớn trên 70% giá trị bất động sản. Điều này dẫn đến rủi ro khi thị trường bất ổn, nhà đầu tư đành bán tháo bất động sản để thu hồi vốn.
Quỳnh Chi