Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đưa ra cảnh báo về bệnh viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn có thể gây ảnh hưởng đến thính lực.
Vi khuẩn liên cầu lợn có thể lây sang người do tiếp xúc trực tiếp (qua vết thương ở da và niêm mạc). Cụ thể, vi khuẩn lây truyền qua tổn thương trên da của người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín. Những người dễ khởi phát bệnh do liên cầu lợn chủ yếu là các đối tượng bị suy giảm miễn dịch như người già yếu, đã từng phẫu thuật cắt lách, nghiện rượu, có bệnh mạn tính trong người. Streptococcus suis có thể gây nhiều bệnh lý như nhiễm độc tiêu hóa, viêm màng não, viêm phổi, xuất huyết, viêm khớp và viêm cơ tim. Nặng hơn, người bệnh có thể bị sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp và suy đa tạng, dễ dẫn tới tử vong. Trong đó, viêm màng não là thể bệnh khá thường gặp.
(Ảnh minh họa).
Triệu chứng của bệnh:
Thời gian ủ bệnh: trong vòng 1 tuần sau khi nhiễm vi khuẩn liên cầu (giết/mổ lợn, chế biến hoặc ăn thịt lợn chưa nấu chín,…).
Giai đoạn khởi phát: diễn ra 1-2 ngày với biểu hiện sốt cao, đau đầu, rét run, buồn nôn và nôn, hoa mắt chóng mặt, đau cơ khớp, đau bụng âm ỉ.
Giai đoạn toàn phát: xuất hiện hội chứng màng não rõ ràng như co cứng cơ (đặc biệt cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê. Đặc trưng là rối loạn tiền đình, giảm thính lực 1 bên hoặc 2 bên, run đầu chi, liệt thần kinh sọ.
Triệu chứng khác: suy thận cấp mức độ nhẹ, phát ban ngoài da (kiểu hồng ban lan rộng hoặc ban xuất huyết hoại tử), tắc mạch đầu chi,…
Sau điều trị đặc hiệu, tình trạng sốt giảm dần rồi hết nhưng các triệu chứng thần kinh giảm đi khá chậm, có thể có di chứng giảm thính lực, rối loạn điều khiển phối hợp tư thế - động tác.
Tiết canh-món khoái khẩu nhiều người (bên trái) – vùng da BN nhiễm khuẩn liên cầu lợn (bên phải)
Biến chứng của bệnh viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn:
Viêm cốt tủy, viêm cột sống, viêm đĩa đệm
Áp xe ngoài màng cứng
Viêm màng não mủ, viêm khớp
Chóng mặt và suy giảm thính lực, thậm chí điếc có thể trở thành di chứng của bệnh
Bệnh có diễn biến rất nhanh, vì vậy cần phát hiện sớm và cách ly, điều trị tích cực
Cách phòng bệnh: Không tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn thịt lợn ốm/chết hoặc lợn không rõ nguồn gốc. Nếu phải xử lý lợn ốm/chết thì cần mang đồ phòng hộ như găng tay, ủng, khẩu trang y tế,…
Nên mua thịt lợn đã qua kiểm định, có nguồn gốc
Khi chế biến cần đảm bảo dụng cụ, nơi chế biến sạch sẽ, rửa tay sạch, có dụng cụ riêng chế biến thịt sống và thịt chín.
Phải ăn thịt lợn chín hoàn toàn, không được ăn thịt lợn tái, tiết canh, nem chua,…
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Thức – Khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa – Bệnh viện TWQĐ 108: “Đây là bệnh vô cùng nguy hiểm, để lại nhiều di chứng vô cùng nặng nề, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng, và biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là thay đổi thói quen ăn uống nhất là món tiết canh là món khoái khẩu của nhiều người. Khi bạn gặp 1 trong các triệu chứng của bệnh trên hãy đến bệnh viện uy tín để được khám và điều trị kịp thời.
DIỆU THU