Trung Quốc đã tăng mức nhập khẩu than của Úc trở lại kể từ tháng 2/2023.
Lượng than cốc được Úc xuất sang Trung Quốc đạt 72.982 tấn vào tháng 2, trong khi lượng than nhiệt là 134.254 tấn. Việc Trung Quốc tăng nhập khẩu than từ Úc được đánh giá là dấu hiệu "tan băng" trong quan hệ giữa hai nước.
Tuy vậy, lượng nhập khẩu than trong tháng 2 vẫn còn tương đối khiêm tốn, chưa quay trở lại mức như trước khi quan hệ giữa hai nước xấu đi từ giữa năm 2020. Tháng 2/2020, Trung Quốc nhập 3,4 triệu tấn than cốc và 3,9 triệu tấn than nhiệt từ Úc. Năm ngoái, Trung Quốc gần như không nhập than từ Úc nên không có số liệu so sánh, theo SCMP.
Năm nay, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã tăng cường đặt hàng than Úc, phản ánh “sự quan tâm trở lại” do chất lượng, giá cả và lợi thế về hậu cần.
Một nhà cung cấp thông tin về than có trụ sở tại tỉnh Sơn Tây cũng cho biết, rất nhiều tàu nhập than cỡ lớn đã rời Úc và dự kiến sẽ tới Trung Quốc trong tháng 3.
Shu Jueting, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tuần trước cho biết, các nhà nhập khẩu có thể xin giấy phép nhập than Úc một cách bình thường.
Than đá là sản phẩm đầu tiên của Úc được phép xuất khẩu sang Trung Quốc sau một thời gian gián đoạn, theo sau là tôm hùm, rượu, gỗ, bông và lúa mạch.
Chính phủ Úc cũng đang thúc đẩy đàm phán để Bắc Kinh dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế về thương mại. Quan hệ giữa hai nước xấu đi kể từ khi Úc kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 mà không tham vấn Trung Quốc.
Úc hiện đang rất mong chờ cuộc gặp trực tiếp giữa Bộ trưởng Thương mại Don Farrell và người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào. Thủ tướng Úc Anthony Albanese cũng dự kiến sẽ tới thăm Bắc Kinh vào cuối năm nay để thể hiện quan hệ hai nước được khôi phục toàn diện.
Theo SCMP, ông Farrell đang chờ một lời mời chính thức từ Trung Quốc. Ông Farrell từng muốn thăm Trung Quốc trước khi thỏa thuận tàu ngầm AUKUS được ký kết và trước kỳ họp lưỡng hội nhưng Trung Quốc khi đó không đồng ý.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh “sẵn sàng trao đổi các vấn đề kỹ thuật liên quan đến thương mại với Úc và tìm giải pháp đôi bên cùng có lợi”.
"Bắc Kinh cũng mong muốn Úc xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, cởi mở khi các công ty Trung Quốc đầu tư trở lại", phát ngôn viên nói, theo SCMP.
Đăng Nguyễn - SCMP