AGM-88 HARM là mẫu tên lửa chuyên tìm diệt radar phòng không của đối phương.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl hồi đầu tuần này xác nhận rằng Washington đã cung cấp cho Ukraine một số "tên lửa chống bức xạ".
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tiết lộ, đó là các tên lửa chống radar AGM-88 HARM. Trong cuộc xung đột ở Ukraine, Nga từng cáo buộc loại tên lửa này đã được sử dụng trong một số cuộc giao tranh.
Theo Indian Express, cụm từ HARM để định danh đây là mẫu tên lửa chống radar tốc độ cao. Loại tên lửa chiến thuật không đối đất này chuyên được phóng từ chiến đấu cơ để phát hiện và lần theo dấu vết các hệ thống radar phòng không.
AGM-88 HARM đang được tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon sản xuất đại trà. Mẫu tên lửa này dài 14 mét, có đường kính 25cm và nặng 360kg.
Tên lửa được thiết kế để tự tìm diệt các trạm phát sóng radar nhờ ăng ten, bộ thu sóng RF băng thông rộng và một bộ xử lý kỹ thuật số tích hợp. Tên lửa có tầm bắn hơn 100km.
Một số mảnh vỡ tên lửa ở Ukraine rất giống với mẫu tên lửa AGM-88 HARM.
Trong vài ngày qua, các nguồn tin quân sự Nga cho biết, các mảnh vỡ tên lửa AGM-88 HARM được phát hiện gần các trận địa tên lửa phòng không. Một số hình ảnh cho thấy các mảnh vỡ khá giống với tên lửa AGM-88 HARM.
Điều bí ẩn là không rõ Ukraine sử dụng loại máy bay nào để phóng tên lửa AGM-88 HARM. Mẫu tên lửa này không thể chỉ cần gắn lên các tiêm kích thời Liên Xô là có thể hoạt động được, vì nó vốn chỉ được cấu hình để sử dụng trên các mẫu chiến đấu cơ của Mỹ và NATO, ví dụ như Tornado ECR, F-16CM và F/A-18-EA-18G.
Theo CNN, cuộc xung đột Nga-Ukraine là lần đầu tiên tên lửa AGM-88 HARM được quân đội nước ngoài sử dụng. CNN cũng cho biết, quân đội Ukraine hiện không có mẫu máy bay nào tương thích với tên lửa AGM-88 HARM.
Có những đồn đoán rằng, NATO bí mật điều các chiến đấu cơ tham gia hỗ trợ chiến đấu cho Ukraine và một trong số các máy bay này đã phóng tên lửa AGM-88 HARM.
Về mặt lý thuyết, AGM-88 HARM vẫn có thể được gắn trên các chiến đấu cơ thời Liên Xô hoặc chiến đấu cơ có nguồn gốc từ Nga, nhưng để các thiết bị điện tử trên máy bay nhận diện tên lửa là điều rất phức tạp mà Ukraine không thể tự làm được trong bối cảnh xung đột như hiện nay, tờ Indian Express nhận định.
Đăng Nguyễn - Indian Express