Giăng bẫy tiền ảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ
Những năm gần đây, hàng loạt vụ lừa đảo liên quan đến đầu tư tiền ảo bị phanh phui, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Đối tượng Nguyễn Quốc Hùng tại cơ quan điều tra.
Các nhóm tội phạm ngày càng tinh vi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về công nghệ tài chính và tâm lý ham lợi nhuận để giăng bẫy. Dù đã có nhiều cảnh báo, không ít người vẫn lao vào "giấc mơ làm giàu" bằng tiền ảo và mất trắng tài sản.
Trước tình hình đó, lực lượng công an trên cả nước đã tích cực vào cuộc, từng bước đấu tranh hiệu quả với tội phạm lừa đảo qua không gian mạng. Nhiều vụ án lớn được triệt phá: Công an Hà Tĩnh bắt 56 đối tượng lừa đảo đầu tư Bitcoin từ Campuchia, Philippines;
Ngày 19/5, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự và công an nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đồng loạt bắt giữ các đối tượng giữ vai trò cầm đầu, gồm: Nguyễn Quốc Hùng (sinh năm 1984); Bùi Thị Thanh Nga (sinh năm 1991, cả 2 cùng ngụ TP.Hà Nội); Hồ Long Trí (sinh năm 1980, ngụ TP.Hồ Chí Minh); Đinh Hữu Hay (sinh năm 1991, ngụ tỉnh Bình Định) và Thân Văn Hiệp (sinh năm 1982, ngụ tỉnh Đồng Nai).
Qua gần 200 ngày đêm truy xét, đơn vị vừa phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) triệt phá chuyên án, bắt khẩn cấp nhóm đối tượng lập sàn giao dịch tiền ảo, với hàng chục nghìn người đầu tư, tổng số tiền gần 10 nghìn tỷ đồng.
Hùng liên hệ với nhóm đối tượng ẩn danh qua Telegram thuê viết một phần mềm dự án đồng tiền ảo có tên MTC-Matrix Chain trên nền tảng ví điện tử "SafePal" và B2B Smart trade, với giá 520 triệu đồng. Sau đó, Hùng bàn tính với Nga góp vốn 400 triệu đồng.
Để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của người tham gia, Hùng tạo một ví điện tử "SafePal", nền tảng B2B Smart trade cung cấp cho nhóm ẩn danh để cài đặt vào hệ thống MTC-Matrix Chain gọi là "ví thu phí nền tảng". Mỗi một người tham gia dự án phải đóng 1 USDT (tiền điện tử), tương đương khoảng 26 nghìn đồng, vào ví nền tảng, rồi Hùng giao cho Nga quản lý trên điện thoại.
Bằng các thủ đoạn trên, nhóm đối tượng đã lôi kéo hàng chục nghìn người tham gia, với hơn 138 nghìn tài khoản đăng ký, nạp số tiền hơn 394 triệu USDT, tương đương hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Đối tượng Bùi Thị Thanh Nga khai nhận về hành vi phạm tội.
Trước đó, Công an Hà Nội đã triệt phá đường dây của Phó Đức Nam (Mr.Pips) chiếm đoạt hơn 10.000 tỷ đồng qua sàn giao dịch tài chính quốc tế; Công an Đồng Nai bắt nhóm đối tượng lừa hơn 200 người, chiếm đoạt 4 tỷ đồng; Công an Đà Nẵng bắt nhóm 6 người, trong đó có 1 người Trung Quốc, lừa đảo qua ứng dụng đầu tư và tình cảm, chiếm đoạt 1.800 tỷ đồng.
Dù công tác phòng, chống được triển khai quyết liệt, nhưng tội phạm lừa đảo đầu tư tiền ảo vẫn tiếp tục gia tăng.
Theo cơ quan chức năng, các vụ lừa đảo lớn đều có kịch bản chung: Dụ dỗ nhà đầu tư bằng mức lãi suất "trên trời", cho rút lợi nhuận nhỏ ban đầu để tạo lòng tin, rồi thúc ép nạp thêm tiền với lời hứa tăng gấp đôi, gấp ba lợi nhuận, sau đó chiếm đoạt toàn bộ.
Không chỉ vậy, các đối tượng còn lập các sàn giao dịch giả danh quốc tế, phát triển trang web, ứng dụng giả, tuyển dụng nhân viên mời chào đầu tư qua mạng xã hội. Khi nhà đầu tư tham gia, nhóm lừa đảo sẽ liên tục nhắn tin, gọi điện để dẫn dụ đầu tư vào tiền ảo, cổ phiếu, ngoại hối… nhằm chiếm đoạt tài sản một cách có hệ thống.
App hẹn hò cũng thành nơi lừa đảo
Đầu năm 2025, thông qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện một nhóm đối tượng kêu gọi đầu tư tiền ảo theo mô hình đa cấp nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Trần Minh Quang tại cơ quan công an
Nhóm này do Trần Minh Quang cầm đầu đã lập website có tên "BITMINER", phát hành đồng tiền ảo "BINCOIN". Trang web được đặt tại địa chỉ: https://bitminer.lol, đăng ký tên miền tại Singapore và cắm mốc công ty ảo trên Google Maps ở Dubai (UAE) để tạo vỏ bọc là dự án đầu tư nước ngoài hợp pháp, sinh lời cao.
Bằng chiêu bài tuyển cộng tác viên, nhóm này kêu gọi người chơi nạp tiền mua "BINCOIN" để đầu tư. Số tiền này sau đó được chuyển về tài khoản của nhóm đối tượng để chiếm đoạt. Bằng thủ đoạn trên, chúng đã lừa gần 4 tỷ đồng từ người dân ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai.
Tương tự, tại Tây Ninh, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao cũng xử lý vụ việc ông T. (ngụ phường Tân Ninh) bị lừa 3,4 tỷ đồng qua hình thức "tình – tiền ảo". Sau khi quen biết một tài khoản tên "QN" trên mạng xã hội, ông T. được dụ dỗ đầu tư từ sàn OKX sang sàn UTSpeed với lãi suất 3–4%/ngày. Tin tưởng, ông T. đã chuyển tiền 14 lần nhưng không thể rút được tiền về.
Ông Bùi Chí Kiên, chuyên gia An ninh mạng của Khu Công nghệ cao Tp.HCM cho hay, các ứng dụng hẹn hò trực tuyến như Tinder, EzMatch, Lit Match, Hullo... đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm công nghệ cao. Những kẻ lừa đảo thường làm quen, tạo niềm tin rồi dần chuyển sang dụ dỗ đầu tư tài chính. Ban đầu nạn nhân thường được trả lãi để tạo độ tin tưởng, sau đó bị "dụ" nạp thêm tiền và cuối cùng không thể rút vốn, bị chiếm đoạt.
Trung tá Hà Văn Tân, Phó trưởng Công an xã Đồng Phú (tỉnh Đồng Nai) cảnh báo: "Tội phạm công nghệ cao ngày càng biến tướng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ảo. Người dân tuyệt đối không nên tham gia đầu tư vào các nền tảng không rõ pháp lý hoặc hứa hẹn sinh lời bất thường".
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không công nhận tiền ảo, tiền kỹ thuật số (như Bitcoin, Ethereum, Pi...) là phương tiện thanh toán, cũng chưa có đại lý chứng khoán quốc tế hợp pháp nào được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Do đó, mọi hình thức giao dịch tiền ảo đều tiềm ẩn rủi ro lừa đảo rất cao.
Công an khuyến cáo người dân cảnh giác, không đầu tư vào các nền tảng tiền ảo, ứng dụng tài chính không rõ nguồn gốc, và kịp thời trình báo khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo để được hỗ trợ xử lý. (Còn nữa).
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, hiện nay, có không ít fanpage và hội nhóm mọc lên với những cái tên gây chú ý như "Đầu tư sinh lời cùng Shark Hưng", "Sàn giao dịch chứng khoán 2025",… kêu gọi người tham gia đầu tư theo hình thức tương tự chứng khoán. Theo tư vấn, giao dịch tại đây khá đơn giản, chỉ cần mua hoặc bán dựa trên tỉ giá chênh lệch của vàng thế giới và chỉ số chứng khoán NIKKEI mà đội ngũ chuyên gia đã phân tích.
Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra số vốn ban đầu từ 200 đến 300 ngàn đồng, sẽ được cho vào nhóm Zalo và được hướng dẫn chi tiết bởi "nhân viên hỗ trợ". Theo lời quảng cáo, mỗi ngày có thể kiếm lời từ 250 ngàn đến 500 ngàn đồng từ số vốn ban đầu nói trên.