Đầu tư ảo, mất tiền thật – Kỳ 3: Nhà đầu tư nhỏ lẻ cần gì ngoài… sự tỉnh táo?

Đầu tư ảo, mất tiền thật – Kỳ 3: Nhà đầu tư nhỏ lẻ cần gì ngoài… sự tỉnh táo?

Nguyễn Văn Khánh

Nguyễn Văn Khánh

Thứ 6, 25/07/2025 03:30

Tiền ảo đang trở thành cái bẫy tài chính với không ít người, khi hàng loạt sàn giao dịch "chui" và hội nhóm lôi kéo đầu tư bằng lời hứa lợi nhuận khủng, đổi đời trong thời gian ngắn. Thiếu hành lang pháp lý và nhận thức đầy đủ, nhiều người không chỉ trắng tay mà còn đánh mất sự nghiệp, gia đình.

Bi kịch của một giảng viên trót "mê" tiền ảo

Tiền ảo chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, hàng loạt sàn chui, đặc biệt là các hội, nhóm ra sức dụ dỗ, lôi kéo đầu tư với hứa hẹn lợi nhuận "khủng", khiến nhiều người đổ nợ, mất sự nghiệp...

Đầu tư ảo, mất tiền thật – Kỳ 3: Nhà đầu tư nhỏ lẻ cần gì ngoài… sự tỉnh táo?- Ảnh 1.

Một nạn nhân đến cơ quan công an trình báo

Cách đây không lâu, bạn bè và đồng nghiệp bàng hoàng khi hay tin anh N.H.M. (30 tuổi, ngụ huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, công tác tại Tp.HCM) bị cơ quan cho thôi việc vì vướng vào nợ nần do đầu tư tiền ảo. 

Nhưng thực chất, bi kịch này đã được cảnh báo từ trước, khi anh M. không thể cưỡng lại sức hút của "giấc mộng đổi đời" từ tiền ảo.

2 năm trước, khi còn là một giảng viên trẻ, anh M. đã vay 500 triệu đồng từ người thân để đầu tư vào tiền ảo. 

Kết quả, thay vì lợi nhuận, anh vỡ nợ. Cha mẹ anh vốn không khá giả đã phải bán đất, rút hết tiền tiết kiệm để giúp con trả nợ.

Tưởng như đó là bài học đắt giá, nhưng không lâu sau, anh M. lại tiếp tục "lén lút" dấn thân vào các sàn giao dịch tiền ảo. Lần này, khoản nợ lên đến 800 triệu đồng.

Chủ nợ liên tục gọi điện đến gia đình, bạn bè, thậm chí gọi vào cơ quan đe dọa, buộc đơn vị công tác của anh phải xem xét cho thôi việc. Gia đình vợ cũng lo sợ bị liên lụy, yêu cầu ly hôn. Bế tắc, anh M. chỉ biết tự trách mình vì đã quá mù quáng tin vào tiền ảo, để rồi tan nát sự nghiệp, gia đình khi tuổi đời còn rất trẻ.

Ai bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ?

Ông Trần Nguyên Đán, chuyên gia kinh tế độc lập, nguyên giảng viên trường Đại học Kinh tế Tp.HCM nhận định: "Tại Việt Nam, do giá trị các đồng tiền ảo lớn nên nhà đầu tư cá nhân thường bị dụ dỗ tham gia các hình thức ủy thác đầu tư, hoặc các đồng coin do đối tượng lừa đảo tự tạo".

Đầu tư ảo, mất tiền thật – Kỳ 3: Nhà đầu tư nhỏ lẻ cần gì ngoài… sự tỉnh táo?- Ảnh 2.

Ông Trần Nguyên Đán, chuyên gia kinh tế độc lập, nguyên giảng viên trường Đại học Kinh tế Tp.HCM.

Theo ông Đán, chiêu trò phổ biến là hướng dẫn nạn nhân mở tài khoản trên các sàn nổi tiếng như Binance, Coinbase, OKX… rồi yêu cầu chuyển tiền vào ví do đối tượng kiểm soát. 

Kẻ gian lợi dụng uy tín của sàn để tạo niềm tin, sau đó chiếm đoạt tài sản. Thậm chí, chúng còn lập sàn giả, dựng giao diện giống thật, hiển thị số dư ảo để dụ dỗ nạn nhân nạp tiền, rồi biến mất sau khi "gom đủ".

Đại úy Nguyễn Hữu Linh, cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Đồng Nai cho hay, người dân cần thận trọng khi tham gia các hoạt động giao dịch, mua sắm hay kết nối trên không gian mạng.

Đại úy Linh cũng lưu ý người dân nên cảnh giác với các website giả mạo. Những trang này thường có tên gần giống website chính thức nhưng sai lệch một vài ký tự, sử dụng tên miền lạ như .xyz, .tk, .cc…

Một lãnh đạo VKSND tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm công nghệ cao, cần đầu tư thêm cho hạ tầng kỹ thuật, xây dựng đội ngũ chuyên gia an ninh mạng, tăng cường hợp tác quốc tế và đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo mật thông tin cá nhân.

Đầu tư ảo, mất tiền thật – Kỳ 3: Nhà đầu tư nhỏ lẻ cần gì ngoài… sự tỉnh táo?- Ảnh 3.

Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền, Công ty Luật TNHH HPL và Cộng sự.

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Công ty Luật HPL và Cộng sự) nhận định: Việc nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ "mất trắng" khi tham gia các sàn tiền ảo trái phép là hệ quả tất yếu của khoảng trống pháp lý kéo dài trong lĩnh vực tài sản số tại Việt Nam. 

Trong khi các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, xuyên biên giới và ẩn danh trên nền tảng blockchain, thì nhà đầu tư, đặc biệt là người không am hiểu tài chính gần như không có cơ chế pháp lý cụ thể để được bảo vệ khi bị chiếm đoạt tài sản.

Suốt thời gian dài, tiền ảo không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, cũng không được xem là tài sản trong giao dịch dân sự. 

Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Giao dịch điện tử 2023 đều không bao hàm loại hình này, khiến các giao dịch tiền ảo rơi vào “vùng xám” pháp lý. Khi gặp rủi ro, người dân không thể khởi kiện hay yêu cầu bồi thường theo quy trình thông thường.

Một tín hiệu tích cực là Luật Công nghiệp công nghệ số vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ 1/1/2026), đã lần đầu tiên thừa nhận tài sản số là một loại tài sản đặc thù, được phép phát hành, lưu trữ, chuyển giao dưới sự giám sát của Nhà nước. 

Tuy nhiên, do luật chưa có hiệu lực và còn thiếu văn bản hướng dẫn thi hành, nên ở thời điểm hiện tại, các giao dịch tiền ảo vẫn chưa được pháp luật bảo hộ. 

Nếu bị lừa đảo, nhà đầu tư chỉ còn cách trình báo cơ quan công an để xử lý hình sự, nhưng khả năng thu hồi tài sản là rất thấp, nhất là khi đối tượng đã rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng hoặc ẩn danh hóa trên blockchain.

Để thu hẹp khoảng trống pháp lý, theo luật sư Huyền, Nhà nước cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết thi hành luật, đặc biệt là cơ chế cấp phép sàn giao dịch, kiểm soát dòng tiền và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. 

Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông pháp lý để cảnh báo các chiêu trò lừa đảo phổ biến như: Hứa hẹn lãi cao, đầu tư ủy thác, trả thưởng đa cấp, hay nạp tiền qua trung gian ẩn danh. Khi khung pháp lý chưa hoàn thiện, thì sự tỉnh táo, hiểu biết và cẩn trọng vẫn là lớp phòng vệ đầu tiên và quan trọng nhất là giúp nhà đầu tư tự bảo vệ mình.

Đại diện Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, các đối tượng lừa đảo hiện hoạt động rất tinh vi, nhắm vào nhiều nhóm người khác nhau, tạo ra các kịch bản đa dạng từ đầu tư tài chính, kiếm tiền online đến tình cảm.

Vào đầu tháng 6/2025, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá đường dây lừa đảo quy mô lớn qua mạng. 5 đối tượng bị bắt giữ gồm: Nguyễn Quốc Hùng (41 tuổi), Bùi Thị Thanh Nga (34 tuổi), Hồ Long Trí (45 tuổi), Đinh Hữu Hay (34 tuổi) và Thân Văn Hiệp (43 tuổi). Nhóm này đã tạo lập sàn giao dịch tiền ảo trên nền tảng "SafePal", lôi kéo hàng chục ngàn người, với hơn 138.000 tài khoản nạp số tiền tương đương hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng đã chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng từ nhà đầu tư.

Trước tình trạng trên, thời gian qua, PA05 Công an tỉnh Đồng Nai đã liên tục triển khai các kênh thông tin để cảnh báo cho người dân. Theo đó, hiện PA05 đã triển khai hàng chục nhóm Zalo phòng chống tội phạm lừa đảo với hàng ngàn người dân tham gia. Trên các kênh này, PA05 sản xuất các video clip ngắn tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Thời gian tới, để kịp thời cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo cho người dân, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các kênh tuyên truyền nhằm đưa thông tin đến với người dân để đề cao cảnh giác.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.