Có mặt vào thời điểm thuỷ triều xuống, không khó để có thể nhìn thấy khu vực Cửa Nhượng (thuộc vùng cửa biển xã Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh) xuất hiện rất nhiều cồn cát nhô cao khỏi mặt nước.
Theo người dân địa phương, những cồn cát này được bồi lắng từ hàng chục năm nay, gây ảnh hưởng rất lớn đến tàu thuyền vào ra khu vực. Thời điểm này, chỉ có tàu nhỏ có thể di chuyển, còn các tàu lớn không thể vào cảng cá.

Cảng cá Cửa Nhượng được đầu tư 280 tỷ đồng đã hoàn thành và sắp bàn giao sử dụng.
Có hàng chục năm vươn khơi bám biển, ngư dân Nguyễn Tiến Huy (ở thôn Xuân Nam, xã Thiên Cầm) đã nắm trong tay những vị trí luồng lạch Cửa Nhượng bị bồi lắng. Còn các thuyền khác vào thời điểm thuỷ triều xuống sẽ không dám di chuyển. Bởi nếu phán đoán thiếu chuẩn xác, thuyền sẽ va vào các cồn cát, đá ngầm nằm dưới mặt biển và bị mắc cạn, gãy cả chân vịt.
"Hiện nay, cảng cá được đầu tư rất hiện đại nhưng luồng lạch chưa được nạo vét đồng bộ thì cũng rất khó để tàu thuyền vào cập cảng, nhất là tàu công suất lớn", ông Huy cho biết.
Tình trạng này khiến việc vận chuyển, tiêu thụ hải sản sau mỗi chuyến biển trở nên khó khăn và tốn kém hơn nhiều. Các tàu đánh bắt phải neo đậu cách bờ khá xa, sau đó sử dụng các phương tiện nhỏ để trung chuyển cá vào cảng. Việc này, vừa mất thời gian, công sức, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.

Việc bồi lắng đang khiến tàu thuyền gặp nhiều khó khăn khi vào cảng.
Điều đáng nói, dự án xây dựng cảng cá Cửa Nhượng do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng, quy mô rộng khoảng 5ha, vừa mới hoàn thành và chuẩn bị bàn giao.
Theo tiêu chuẩn cảng cá cấp II, dự án cho phép tiếp nhận tàu công suất đến 400CV, năng lực cập tàu khoảng 100 lượt/ngày, sản lượng thủy sản qua cảng đạt khoảng 16.000 tấn/năm. Không chỉ phục vụ neo đậu, bốc dỡ hải sản, cảng còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an toàn mùa mưa bão, thúc đẩy phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá và kinh tế biển địa phương.
Thế nhưng, trong phạm vi dự án, tuyến luồng dài khoảng 400m đã được nạo vét. Tuy nhiên, đoạn tiếp nối ra phía biển, thuộc phạm vi quản lý của đường thủy nội địa quốc gia, lại chưa được xử lý. Vào thời điểm thủy triều xuống thấp, luồng lạch có nơi chỉ còn rộng 4–5m, không đủ điều kiện cho tàu cá lưu thông an toàn.

Dù đã có tuyến đê chắn cát với chiều dài 780m nhưng việc bồi lắng luồng lạch là điều không tránh khỏi.
Theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc các cảng cá Hà Tĩnh, dù hiện tượng bồi lắng ở cửa biển là phổ biến, nhưng việc triển khai dự án hàng trăm tỷ mà không có giải pháp đồng bộ, đặc biệt với luồng lạch dẫn vào cảng sẽ khiến cho ngư dân gặp khó khi vào bờ.
"Tình trạng bồi lắng luồng lạch hiện diễn ra nghiêm trọng ở hầu hết các cảng cá. Vì vậy, cần sớm triển khai dự án nạo vét luồng lạch để phát huy được hiệu quả của dự án cảng cá hàng trăm tỷ đồng này", ông Sơn nói.

Nếu không có phương án nạo vét thì cảng cá đầu tư hàng trăm tỷ sẽ khó phát huy hết tác dụng.
Hiện, phía cảng đang đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh bố trí nguồn vốn thực hiện nạo vét luồng lạch hằng năm, đặc biệt là các đoạn tiếp nối ra biển khu vực ngoài phạm vi dự án.