Đầu tư giáo dục tăng nhưng lạm thu không giảm?

Đầu tư giáo dục tăng nhưng lạm thu không giảm?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, bức tranh giáo dục nước nhà đã tồn tại nhiều vấn đề chưa giải quyết tốt, việc lạm thu ở nhiều trường càng làm cho bức tranh ấy thêm rối rắm. Tuy nhiên, lỗi ấy không hoàn toàn do nhà trường và ngành giáo dục, mà một phần trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh.

“Bệnh” kinh niên

Gần đây, có khá nhiều độc giả của Nguoiduatin.vn phản ánh qua đường dây nóng về tình trạng lạm thu ở các trường. Ông đáng giá như thế nào về thực trạng này?

Việc lạm thu thì nhiều năm nay đã nói đến rồi. Người ta thống kê, có nơi đóng 30 khoản, có nơi đóng 40 khoản, có nơi đóng mấy trăm nghìn nơi đóng cả triệu đồng và học kỳ nào cũng đóng. Nên đây là một việc khá phức tạp, làm cho bức tranh về giáo dục đã có nhiều vấn đề phức tạp càng trở nên rối rắm hơn nữa.

GS.VS Phạm Minh Hạc

Hiện kinh tế còn chưa phát triển, đời sống kinh tế của các bậc phụ huynh còn rất khác nhau. Chính sự khác nhau về khả năng tài chính của mỗi người mới khiến các phụ huynh chưa thống nhất được. Tôi cũng đã đi nhiều nước và thấy Việt Nam là một trong số ít những nước có hiện tượng này. Ở nhiều nước có đến mấy chục triệu học sinh, nhưng nhà nước cho cả quần áo, sách vở, ăn trưa. Nhiều nước XHCN như Cuba, Triều Tiên người ta cũng khá ưu đãi cho giáo dục. Thậm chí nhiều nước còn cấp cho học sinh 2 bộ sách giáo khoa, một bộ để ở trên lớp một bộ để ở nhà. Ở những nước ấy, đầu tư cho giáo dục nhiều và không có hiện tượng lạm thu như ở nước ta.

Nếu nói như vậy, thì lạm thu là do ngân sách đầu tư cho giáo dục ở nước ta còn ít?

Nước ta là nước nghèo, dù ngân sách đầu tư cho giáo dục đã tăng lên nhiều. Trong hơn 20 năm qua, ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng lên đến 4 lần rồi, từ khoảng 5% lên đến 20%. Nhưng nó đi đến đâu thì chưa rõ, chỉ biết là các trường còn thiếu nhiều thứ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân đẻ ra việc lạm thu ở các trường. Xã hội hóa giáo dục nhằm kêu gọi cả xã hội ủng hộ ngành giáo dục là quy định đúng và không có gì sai cả nhưng nó phức tạp là ở từng trường thôi.

Năm học mới các em học sinh cần một môi trường giáo dục đúng nghĩa và... không lạm thu. Ảnh minh họa

Vậy theo ông, nguyên nhân của việc lạm thu hoàn toàn là do nhà trường còn thiếu nhiều trang thiết bị dạy học?

Đúng là hiện nay, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học ở nước ta còn thiếu nhiều thứ. Ví dụ như, học sinh phô tô tài liệu học tập cũng mất tiền. Ở những nước khác họ có máy phô tô đặt ở ngoài hành lang và học sinh có thể phôtô tài liệu hàng mấy trăm trang.

Bên cạnh đó, một số khoản tiền đáng lý nhà trường không được đứng ra thu thì lại thu. Ví dụ như việc thu tiền bảo hiểm. Đó là khoản tiền mà các quỹ bảo hiểm phải đứng ra thu, nhưng nhà trường lại đứng ra thu vì có hoa hồng từ việc đó.

Tuy nhiên, việc lạm thu chỉ diễn ra ở một số trường, đặc biệt là ở thành thị, còn ở nông thôn thì không nhiều. Hiện nay, các nhà trường chưa thể có điều kiện để lắp điều hòa nhiệt độ, thậm chí nhiều trường còn thiếu cả quạt điện. Nhưng nhiều người lại nghĩ ra lắp máy lạnh, lắp hệ thống loa, âm ly để tăng âm dù phòng học rất nhỏ... khiến nhiều phụ huynh có khả năng kinh tế hạn chế khốn đốn. Theo tôi đó là việc làm không nên, bởi sẽ làm nên những tác động không tốt đến cả phụ huynh và học sinh. Nếu trong các trường dân lập, học sinh đều là con nhà giàu cả, hàng tháng người ta đóng nhiều tiền thì họ được học trong môi trường tốt, có ăn trưa, căng tin buổi sáng, thì không có chuyện gì cả.

Cần xem xét lại ban đại diện cha mẹ học sinh

Hai điều nghiêm cấm mới nhất từ Bộ GD&ĐT

"Để thực hiện được điểm này, Bộ đã có văn bản hướng dẫn đồng thời sẽ tăng cường công tác kiểm tra thanh tra. Trong công văn số 5584 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục mà Bộ vừa ban hành. Bộ yêu cầu hai khoản không được dùng tiền hỗ trợ từ các khoản đóng góp của phụ huynh học sinh. Thứ nhất, không được sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục. Bởi hoạt động đó đã có nguồn từ ngân sách nhà nước. Thứ hai, không được dùng tiền đó để thưởng cho giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường. Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu thêm, và sẽ quy định nhiều khoản không được dùng tiền đóng góp của phụ huynh học sinh. Các ban đại diện cha mẹ cần có kế hoạch cụ thể từ đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối kỳ, cuối năm học".

(Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển)

Nhiều người thắc mắc, tại sao phụ huynh không muốn đóng tiền tự nguyện lại không phản đối?

Phản đối cũng bất tiện lắm. Tôi cũng đi họp phụ huynh cho cháu ở 4 trường trong đó có 2 trường công lập và 2 trường dân lập. Người ta (ban đại diện cha mẹ - PV) ghi danh sách các khoản cần đóng lên bảng rồi “biểu quyết” bằng cách giơ tay phát biểu. Có khi những người có điều kiện lại nhiều hơn những người không có điều kiện hoặc người không có điều kiện vì ngại nên cũng giơ tay. Hầu như ban đại diện nói đóng khoản gì thì phụ huynh nộp thế. Ban đại diện cha mẹ không có thảo luận nhiều với các phụ huynh. Họ đưa danh sách ra rồi ghi sẵn lên bảng, nếu không có ai có ý kiến thì coi đó là đồng ý và mọi người phải rút tiền ra nộp rồi về. Nếu không có thì chạy đi vay rồi nộp.

Gần đây Bộ GD&ĐTcó công văn gửi đến UBND các tỉnh nhằm chấm dứt tình trạng lạm thu, trong đó có nêu rõ các khoản nhà trường không được sử dụng từ quỹ của cha mẹ học sinh . Ông đánh giá như thế nào về quyết định đó của Bộ?

Tôi đã đọc văn bản đó và thấy khá khả thi. Để nó đi vào được thực tiễn, các cấp có liên quan cần có công tác thanh tra kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, nhà trường nào cũng được quyền có hội phụ huynh và hội ấy hoạt động riêng. Hội ấy nằm ngoài trách nhiệm của nhà trường, nên khó quản lý được.

Vậy theo ông, có giải pháp nào để chấm dứt được việc lạm thu này?

Khi nước mình giàu có, nhà nước lo hết được thì mới có thể giải quyết được triệt để. Đấy là về tương lai, còn hiện nay, giải quyết được triệt để vấn đề lạm thu là một việc không hề đơn giản. Không nên đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường và ngành giáo dục mà trách nhiệm ấy còn thuộc về ban đại diện cha mẹ học sinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Vì thế ban đại diện cần làm đúng mực, đừng bắt tất cả theo ý mình. Bởi có nhà có điều kiện nhà không. Cần xem xét lại ban đại diện cha mẹ học sinh, để họ phải là tiếng nói chung của toàn bộ phụ huynh chứ không phải là cái loa phát thanh cho các nhà trường.

Xin cảm ơn ông!

Thành Huế