Theo TS.BS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, đa u tuỷ xương là một bệnh máu ác tính. Bệnh đặc trưng bởi sự tăng sinh tích luỹ ác tính tế bào dòng plasmo trong tuỷ xương và một số cơ quan khác, dẫn đến tăng sinh các kháng thể đơn dòng trong máu gây phá huỷ xương, tạo thành nhiều ổ tiêu xương dẫn đến gãy xương bệnh lý, rối loạn chức năng nhiều cơ quan: suy thận, thiếu máu, suy giảm miễn dịch…
Tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, mỗi năm có khoảng 150 ca bệnh được phát hiện mới và khoảng 700 – 800 người bệnh được theo dõi ngoại trú.
Đa u tuỷ xương thường gặp ở người lớn tuổi (trên 65 tuổi). Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh tăng lên. Tỷ lệ gặp ở nam nhiều hơn nữ.
(Ảnh minh họa).
Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng khả năng mắc bệnh như tiếp xúc với tia xạ, hoá chất…. Ngày nay, bằng các phương pháp xét nghiệm di truyền, các nhà khoa học đã xác định được các đột biến gen là nguyên nhân gây ra bệnh đa u tuỷ xương.
Triệu chứng
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất phong phú và đa dạng. Người bệnh có thể thấy đau xương, đau thắt lưng, mệt mỏi và nhiễm trùng thường xuyên. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể gặp ở nhiều các bệnh lý khác như: viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, suy thận mạn tính…
Những biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh là tình trạng đau xương, thiếu máu, suy thận. Đó là những tín hiệu dễ nhận biết để nghi ngờ bệnh đa u tuỷ xương. Khi đó cần phối hợp làm các xét nghiệm để chẩn đoán và điều trị kịp thời cho người bệnh.
Khoảng 80% người bệnh có biểu hiện đau xương. Đau xương có thể gặp ở bất kỳ xương nào. Tuy nhiên, hay gặp nhất là đau xương vùng lưng, xương sườn và vùng xương chậu. Người bệnh có thể có biểu hiện loãng xương toàn thân, gãy xương tự nhiên hoặc sau chấn thương nhẹ (gãy xương bệnh lý), hoặc xuất hiện các khối u xương.
Khoảng 70% người bệnh thiếu máu tại thời điểm chẩn đoán, có thiếu máu ở các mức độ khác nhau, thiếu máu dẫn đến tình trạng mệt mỏi, chóng mặt.
Có khoảng 20% người biểu hiện suy thận, trong đó 10% người bệnh mới chẩn đoán suy thận nặng cần chạy thận nhân tạo.
Khoảng 15 – 20 % có táo bón, buồn nôn; đa niệu, loạn thần, hôn mê, rối loạn nhịp tim do tăng calci máu.
Biểu hiện thần kinh: Chèn ép rễ – tuỷ sống; bệnh lý thần kinh ngoại biên; thâm nhiễm thần kinh trung ương.
Biến chứng nặng: khối u chèn ép tủy sống (chiếm khoảng 10%), chẩn đoán dựa vào chụp cộng hưởng từ.
Nhiễm trùng tái diễn, đây là nguyên nhân chính gây tử vong.
Khó thở, có những cơn thiếu máu cơ tim thoáng qua, huyết khối tĩnh mạch sâu, chảy máu võng mạc, mũi do tăng độ quánh máu.
Bên cạnh những triệu chứng lâm sàng, người bệnh cần làm xét nghiệm tuỷ xương, sinh hoá, điện di protein huyết thanh và nước tiểu/24h, chẩn đoán hình ảnh và một số xét nghiệm chuyên sâu khác.
Điều trị như thế nào?
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh đa u tuỷ xương. Theo TS.BS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, các phương pháp đang được áp dụng có thể giúp người bệnh đạt lui bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới”. Người bệnh trở về sinh hoạt bình thường trong cộng đồng.
Điều trị đa u tuỷ xương gồm hoá trị liệu kết hợp với thuốc. Người bệnh trên 65 tuổi (tới 70 tuổi nếu thể trạng bệnh tốt) có thể điều trị bằng ghép tế bào gốc tự thân nhằm đạt lui bệnh kéo dài. Đánh giá ghép tế bào gốc ưu tiên căn cứ vào thể trạng bệnh hơn tuổi của người bệnh.
Đối với người có khả năng ghép tế bào gốc tự thân, sau 3-4 chu kỳ điều trị hoá trị liệu sẽ tiến hành gạn tế bào gốc để ghép cho người bệnh.
Ở giai đoạn điều trị tấn công, tuỳ theo nhóm tiên lượng và khả năng có đủ các nhóm thuốc để có chiến lược lựa chọn phác đồ điều trị. Các nhóm thuốc thường kết hợp gồm: nhóm thuốc ức chế proteasome, điều hoà miễn dịch, kháng thể đơn dòng và corticoid.
BS khuyến cáo mọi người ăn uống đầy đủ 4 nhóm thức ăn: chất bột, chất đường, chất đạm, chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Người bệnh cần ăn chín uống sôi, tránh sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh….
Diệu Thu