Theo khảo sát từ người dân vào ngày 10/11, với những người có ý định sẽ mua xe điện trong tương lai có gần 13% dự định mua xe đạp điện, 71% mua xe máy điện và 16% muốn mua ô tô điện. Trong hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện” được diễn ra vào ngày 10/11, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, từ năm 2010 đến cuối năm 2022, TP.HCM quản lý 12.575 xe điện, chủ yếu là xe hai bánh. Trong nửa đầu năm 2023, thành phố đã tăng thêm 2.000 xe điện. Hiện TP.HCM đã khai thác 77 xe buýt điện tại 5 trên tổng số 128 tuyến xe buýt.
Hội thảo do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức. Bên cạnh đó, qua khảo sát, phát hơn 10.000 phiếu hỏi có muốn đổi sang dùng xe điện trong tương lai hay không thì có 86,8% người trả lời là chưa có nhu cầu, với những người có ý định sẽ mua xe điện trong tương lai có gần 13% dự định mua xe đạp điện, 71% mua xe máy điện, 16% muốn mua ô tô điện.
Có bốn lý do chính được người dân đưa ra khi chưa sẵn sàng mua xe điện là đã quen dùng xe máy, ô tô chạy xăng, diesel, giá bán xe điện vẫn còn đắt, công nghệ pin chưa ổn định và hạ tầng trạm sạc pin chưa phủ rộng. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ năm 2018 - 2023 tại Việt Nam có 67.000 xe điện nhập khẩu, hơn 1,7 triệu xe điện sản xuất lắp ráp trong nước gồm: 22.000 ô tô điện và 1,5 triệu xe máy điện.
Theo ông Chung - Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải chia sẻ, để chuyển đổi sang sử dụng xe điện cần thực hiện bốn nhóm chính sách hỗ trợ gồm: Ưu đãi khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng, phát triển hạ tầng trạm sạc điện, khuyến khích phát triển hạ tầng vận tải hành khách công cộng sử dụng điện.
Bình Minh