Đẩy mạnh công tác giám sát hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm

Đẩy mạnh công tác giám sát hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 2, 17/10/2022 19:18

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức thẩm định 121 lượt cơ sở, trong đó 112 cơ sở xếp loại B, 2 cơ sở xếp loại C.

Thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) được Hà Nội đặc biệt quan tâm, giám sát chặt chẽ. Cùng với đẩy mạnh thanh, kiểm tra, việc tăng cường hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm được xem là giải pháp quan trọng chấn chỉnh vi phạm trong lĩnh vực ATTP.

7 cơ sở bị buộc dừng hoạt động

Thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã thẩm định, xếp loại 249 lượt cơ sở. Trong đó, 222 cơ sở xếp loại B, 10 cơ sở không đánh giá do sai địa chỉ kinh doanh, 17 cơ sở xếp loại C; 27 cơ sở được nâng hạng từ C lên B.

Cơ quan chức năng ngành nông nghiệp Hà Nội đã cấp 242 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong đó có 20 giấy chứng nhận cấp lại. Dù vậy, con số này mới đạt gần 89,2% tổng số cơ sở được TP đánh giá, phân loại.

Công tác thẩm định định kỳ được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức thẩm định 121 lượt cơ sở, trong đó 112 cơ sở xếp loại B, 2 cơ sở xếp loại C. Đáng chú ý, có 7 cơ sở bị yêu cầu dừng hoạt động do không bảo đảm các điều kiện kinh doanh an toàn.

Đặc biệt, công tác giám sát ATTP đối với nông sản được thực hiện chặt chẽ. Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy 1.226 mẫu thực phẩm để kiểm tra chất lượng. Đối với 844 mẫu đã có kết quả, cơ quan chức năng xác định 803 mẫu đạt (chiếm 95,1%); 41 mẫu vi phạm các quy định về ATTP (chiếm 4,9 %).

“Công tác lấy mẫu, giám sát được tập trung vào các nhóm sản phẩm, những công đoạn có nguy cơ cao về ATTP. Với những mẫu vi phạm, đơn vị đã cảnh báo nguy cơ, yêu cầu chủ thể sản xuất, kinh doanh khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân để kịp thời chấn chỉnh…” - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin với Kinh tế đô thị. 

Tiêu dùng & Dư luận - Đẩy mạnh công tác giám sát hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm

Đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra một cơ sở chế biến thực phẩm.Ảnh: Kinh tế đô thị. 

Vẫn còn nhiều mối lo 

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, nhìn chung nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh nông lâm sản và thuỷ sản trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dù vậy, kết quả giám sát ATTP những tháng đã qua của năm 2022 vẫn cho thấy nhiều mối lo.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, TP. đang chuyển dần sang tiếp nhận bản tự công bố và hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiếp nhận 1.819 bộ hồ sơ tự công bố thực phẩm chế biến nông sản, và đăng tải lên website bản tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói sẵn thuộc ngành nông nghiệp quản lý. Đồng thời, tổ chức hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm đối với hàng chục cơ sở.

Đáng chú ý, trong số 21 mẫu sản phẩm tự công bố để kiểm tra ATTP, cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội phát hiện 3 mẫu sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Các đoàn kiểm tra đã hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép đối với 1 cơ sở, với tổng số tiền 40 triệu đồng.

“Trong những tháng cuối năm 2022, ATTP tiếp tục là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, khi nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của người dân Thủ đô tăng cao, đặc biệt những dịp lễ, Tết. Do đó, bên cạnh tăng cường công tác hậu kiểm, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP…” - ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cho biết sẽ tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của quận, huyện, thị xã. Đặc biệt là tại các quận, huyện có kết quả triển khai đạt thấp; quận, huyện có các xã, phường chưa triển khai Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. 

Tp.HCM phát hiện hơn 2.600 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm 

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Tp.Hồ Chí Minh  đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền 9.619.553.000 đồng, tịch thu/tiêu hủy 12.797 kg và 33.971 đơn vị sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng/không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép 1 cơ sở...

Đồng thời, thực hiện rà soát việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội. Đến nay, đã rà soát 10.460 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang web kinh doanh và phát hiện 53 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm chuyển Thanh tra theo dõi, xử lý theo quy định.

Trong 9 tháng đầu năm, thành phố đã tiến hành hậu kiểm tại chỗ 9.295 hồ sơ tự công bố, trong đó: đạt: 4.295 hồ sơ (tỷ lệ: 46,21%), có dấu hiệu vi phạm: 5.000 hồ sơ (tỷ lệ: 53,79%). Đối với các hồ sơ hậu kiểm không đạt, Thành phố đã có kế hoạch giám sát, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở thực hiện theo đúng quy định.

Hương Anh (tổng hợp) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.