Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương đối với dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao các sở, ngành và địa phương có liên quan phối hợp với Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận khẩn trương kiểm tra, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, các đơn vị sẽ xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai thực hiện việc GPMB khu tái định cư (nếu có).
Đồng thời, phối hợp với Ban QLDA Mỹ Thuận xác định vị trí, diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu của dự án, đảm bảo tiến độ thi công.
Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu đề xuất UBND tỉnh thực hiện các nội dung về xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng và kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng theo quy định.
Theo ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau, Cà Mau được xem là điểm cuối của tuyến cao tốc Bắc – Nam, khi tuyến cao tốc hình thành sẽ tạo lợi thế lớn để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau.
“Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong quy hoạch và phát triển không gian đô thị, cũng như hình thành các khu kinh tế, cụm công nghiệp xung quanh tuyến đường cao tốc này”, ông Tất cho hay.
Cũng theo ông Tất, địa phương sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ tốt trong việc GPMB để làm cao tốc Bắc – Nam, cùng chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để làm sao đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất có thể.