Phải có chiến lược sống chung với dịch
Ngày 25/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Quốc hội cũng thảo luận nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Là đại biểu đầu tiên phát biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) bày tỏ tán thành với báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách của Chính phủ, trong đó có nhiều thành tích đạt được rất đáng tự hào, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí cao với các phương án nhiệm vụ và 8 giải pháp mà Chính phủ đề ra cho 6 tháng cuối năm. Tiếp đó, đại biểu ghi nhận Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ kinh doanh, phục hồi các hoạt động kinh tế; đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.
Theo đại biểu, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia cùng cả nước phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, đẩy mạnh công tác từ thiện, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, tham gia quyên góp nguồn lực đóng góp cho phòng chống dịch. Đáng chú ý, ngày 19/7, Hòa thượng Chủ tịch Giáo hội ban hành văn bản kêu gọi tăng ni, phật tử thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về phòng chống dịch.
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (đoàn ĐBQH Quảng Bình) bày tỏ, bên cạnh thành tựu đã đạt được, đất nước đang đứng trước nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình lớn, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 kéo dài, phức tạp gây ảnh hưởng tới tình hình trong nước.
Hiện chúng ta đang thực hiện các biện pháp quyết liệt của Chính phủ trong chống dịch, như biện pháp 5K, chiến lược vắc-xin, các giải pháp hỗ trợ người dân...Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài chưa có dấu hiệu dừng lại, việc ứng phó của dịch bệnh vẫn mang tính ngắn hạn, vì vậy cần thêm những giải pháp, kịch bản lâu dài; thậm chí "chúng ta phải có chiến lược sống chung với dịch bệnh, hướng tới trạng thái bình thường mới".
Ngoài các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo chuỗi cung ứng không đứt gãy thì Chính phủ cần quan tâm tới quyềncủa người lao động trong khu công nghiệp để họ yên tâm sản xuất.
Đại biểu Tâm cũng nhắc tới hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Theo bà, hiện tượng lãng phí còn phổ biến, tồn tại trong nhiều lĩnh vực, như biên chế, thủ tục hành chính, tài nguyên thiên nhiên, tài sản công... "Lãng phí rất nguy hại, gây tác hại lớn hơn nhiều tham nhũng", đại biểu Tâm nói.
Không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) cho rằng: “Quyết liệt phòng chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan”.
Theo đại biểu Thuỷ, thời gian qua nhiều địa phương đã có nhiều biện pháp phù hợp, hạn chế tối đa khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, còn một số địa phương áp dụng biện pháp thái quá, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ví dụ không cho xe chở nông sản đi qua dù đã có giấy kiểm dịch…
“Có thể nói, cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế”, đại biểu Thuỷ nói.
Đại biểu Thủy đánh giá cao việc Chính phủ đã sớm chỉ đạo các địa phương này có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm chống dịch nhưng không “ngăn sông cấm chợ”.
Một vấn đề nữa được đại biểu Thuỷ chia sẻ đó là, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã khắc phục tâm lý coi thường, nhờn các quy định trong phòng, chống dịch.
“Rất nhiều hành vi vi phạm, kể cả khai báo y tế không trung thực cũng đã được xử lý nghiêm trong đợt bùng phát dịch thứ 4. Đã có nhiều biện pháp, chế tài được đặt ra bao gồm cả chế tài xử lý kỷ luật về Đảng và về công vụ như vụ cách chức Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc công ty Hacinco tại Hà Nội… thậm chí khởi tố nhiều vụ án hình sự làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng… thái độ dứt khoát cùng biện pháp mạnh trên cả nước đã khiến người dân không còn coi thường dịch bệnh, thực hiện khai báo đầy đủ…”, đại biểu Thuỷ chia sẻ.
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Thuỷ bày tỏ xúc động trước sự chấp nhận gian khổ, hy sinh của lực lượng tuyến đầu, sự hy sinh, chia sẻ của các địa phương, các lực lượng quân đội, công an… đã hỗ trợ cho các tỉnh có dịch thêm sức mạnh để kiểm soát và chiến thắng dịch bệnh. Không chỉ chung tay đóng góp về vật chất mà còn sự đồng lòng về tinh thần của mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp để chiến thắng đại dịch.
“Hàng chục ngàn nhân viên y tế đã và vẫn đang phải gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dưới cái nắng như thiêu như đốt ngày hè và những bữa cơm ăn vội, ăn muộn diễn ra trong suốt thời gian chống dịch, thậm chí là ngủ gục bên bữa cơm đang ăn dở…”, đại biểu Thuỷ nghẹn ngào bày tỏ sự cảm phục của mình đối với hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Thời gian tới, đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai phần mềm liên thông để kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát sức chống chịu của doanh nghiệp để có biện pháp căn cơ trong thời gian sắp tới.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cũng bày tỏ đánh giá cao kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nhất là việc thực hiện “mục tiêu kép”, tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, do đó đại biểu cho rằng kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh là yếu tố quan trọng và là mục tiêu lớn trong thời gian tới. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có những biện pháp mạnh hơn nữa. Tôi cho rằng việc Quốc hội giao cho Chính phủ được áp dụng những biện pháp chưa có Luật là rất cần thiết”, Đại biểu Giang đề xuất.
Cùng với đó, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) bày tỏ thống nhất cao với việc Quốc hội cho phép Chính phủ có những quyết định chưa có trong Luật để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Đại biểu nhấn mạnh điểm sáng của kế hoạch kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm với nhiều kết quả đạt và vượt kế hoạch, mặc dù hiện tại tỉ lệ tiêm vắc-xin của chúng ta còn thấp nhưng cử tri và người dân đều hy vọng với chiến lược vắc-xin của Chính phủ sẽ đạt được mục tiêu trong thời gian tới.
Hoàng Bích