ĐBQH: Không thể chấp nhận ở Hà Nội, Tp.HCM mà lại xếp hàng hàng giờ để mua xăng

ĐBQH: Không thể chấp nhận ở Hà Nội, Tp.HCM mà lại xếp hàng hàng giờ để mua xăng

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 6, 04/11/2022 16:47

“Một nền kinh tế có độ mở lớn, đang có nhu cầu phát triển mà lại thiếu xăng ở thành phố lớn thì không thể chấp nhận được”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Xếp hàng nửa tiếng mới đổ được xăng

Khoảng 11h ngày 4/11, chị Lan Anh (24 tuổi, Hà Nội) đến cây xăng Hope, số 4 Dương Đình Nghệ (Yên Hoà, Cầu Giấy), thuộc chi nhánh của Công ty CPTM Tổng hợp Việt Hà để đổ xăng. Đến nơi, chị đã thấy có hàng chục người đang xếp hàng dài chờ đến lượt.

Chị Lan Anh được đổ đầy bình xăng sau khi xếp hàng hơn 40 phút, trong khi tuần trước, khi đổ tại cây xăng này cũng vào khung giờ tương đương, chị chỉ mất khoảng 10 phút xếp hàng.

Trong tình cảnh tương tự, khoảng 15h ngày 4/11, chị Thu Hà (36 tuổi) khi đổ xăng tại cây xăng Petrolimex số 231 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phải xếp hàng hơn 30 phút mới đổ được xăng, dù thời gian không phải giờ cao điểm.

Trước tình trạng khan nguồn hàng, có cây xăng phải giới hạn mức bán cho người dân. Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, tại điểm bán xăng số 350 Kim Giang (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thuộc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cây xăng này có 3 cột bán xăng nhưng chỉ hoạt động 1 cột, còn 2 cột trong tình trạng treo biển “tạm nghỉ” - thời điểm ghi nhận lúc 15h20 ngày 4/11.

Đại diện cây xăng cho biết, hiện tại cơ sở vẫn bơm xăng bình thường bán cho người dân, tuy nhiên chỉ giới hạn ở mức 50.000 đồng một lần đổ đối với xe máy và còn xe ô tô chỉ được đổ tối đa 300.000 đồng.

Kinh tế vĩ mô - ĐBQH: Không thể chấp nhận ở Hà Nội, Tp.HCM mà lại xếp hàng hàng giờ để mua xăng

Cột xăng treo biển “tạm nghỉ” tại cây xăng số 350 Kim Giang chiều 4/11 (Ảnh: Hữu Thắng).

Thực tế, tình trạng người dân Hà Nội gặp khó, phải xếp hàng dài, mất nhiều thời gian khi mua xăng bắt đầu manh nha cách đây hơn 1 tuần nay. Tình hình này đang diễn biến tương tự tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam.

Dù chiều muộn 2/11, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã họp với các doanh nghiệp đầu mối, phân phối để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong cung ứng xăng dầu hiện hành, song tình trạng này không có nhiều tiến triển.

Các thương nhân xăng dầu đều có chung chia sẻ, tình trạng các doanh nghiệp cấp hàng nhỏ giọt, thương nhân kinh doanh hạn chế bán ra không phải vì chờ tăng giá, mà vì không có hàng và không đảm bảo đủ duy trì chi phí để kinh doanh khi càng bán ra càng lỗ.

Nguyên nhân này cũng được Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên đưa ra. “Qua kiểm tra không có tình trạng găm hàng, đa phần là do nguồn cung nên doanh nghiệp không còn xăng để bán cho người tiêu dùng”, ông Kiên cho hay.

Chuyện khó chấp nhận

Bên hàng lang Quốc hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm khi tình trạng thiếu hụt xăng dầu diễn ra ngày càng phổ biến không chỉ ở các tỉnh phía Nam mà đã lan ra phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, rất nhiều ý kiến cũng cho rằng trong việc quản lý xăng dầu cần có sự thay đổi toàn diện. Từ cơ chế, cách thức vận hành, đặc biệt tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương.

Theo đại biểu, xăng dầu là hàng hoá thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, đây là mặt hàng hoá thiết yếu, đặc biệt thì nhà nước cần có sự điều tiết nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc thị trường. Do vậy, việc quản lý phải xác định được ranh giới giữa Nhà nước và thị trường.

Đại biểu đoàn Đồng Nai cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định về quản lý xăng dầu hiện nay. Trong đó có việc giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý.

“Cá nhân tôi cho rằng nên đưa quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương. Xăng dầu là mặt hàng hoá có liên quan tới thị trường, có liên quan tới xuất - nhập, điều tiết. Tôi cho rằng, Bộ Công Thương có khả năng và sẽ có bộ máy, chức năng để thực hiện nhiệm vụ này”, ông An nói.

Kinh tế vĩ mô - ĐBQH: Không thể chấp nhận ở Hà Nội, Tp.HCM mà lại xếp hàng hàng giờ để mua xăng (Hình 2).

Đại biểu Trịnh Xuân An (Ảnh: Hoàng Bích).

Theo ông An, việc quản lý xăng dầu hiện nay đang do liên Bộ Tài chính - Công Thương quản lý. Tuy nhiên vẫn có những bất cập, thiếu sự linh hoạt. Do vậy, cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện. Những vấn đề như giá xăng dầu, mốc thời gian của kỳ điều hành giá cũng cần xem lại một cách toàn diện, đảm bảo nguyên tắc thị trường.

“Một nền kinh tế có độ mở lớn, GDP hàng trăm tỷ USD, đang có nhu cầu phát triển mà lại thiếu xăng ở thành phố lớn thì không thể chấp nhận được”, đại biểu An nhấn mạnh.

Ông cho rằng, những lý do như thiếu hụt nguồn cung, chi phí liên quan tới chiết khấu, chi phí hoa hồng… chỉ là phần bề nổi. Bản chất cần xác định là phải thay đổi cơ chế vận hành. Trong đó, thay đổi đầu tiên đó là minh định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm, tránh việc đùn đẩy nhau.

“Không thể chấp nhận việc ở Hà Nội, Tp.HCM mà lại xếp hàng hàng giờ để mua xăng. Đây là câu chuyện rất khó chấp nhận”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Kinh tế vĩ mô - ĐBQH: Không thể chấp nhận ở Hà Nội, Tp.HCM mà lại xếp hàng hàng giờ để mua xăng (Hình 3).

Đại biểu Trần Văn Lâm (Ảnh: Hoàng Bích).

Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc cũng nhìn nhận, nếu như xăng dầu chỉ đứt gãy cục bộ, gián đoạn trong thời gian nhất định, ở địa bàn nhất định, còn nguồn cung vẫn dồi dào thì không quá lo, nhưng ở đây sự đứt gãy lan ra diện rộng.

Do đó, cần phải rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể, xem có đáp ứng đủ nhu cầu về xăng dầu cho tiêu dùng, sản xuất kinh doanh không?

Thực tế, điều hành chính sách vĩ mô về xăng dầu thuộc Bộ Công Thương, còn nhập hàng phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp. Kinh doanh phải có lợi nhuận nên có thời điểm giá cao, doanh nghiệp hạn chế nhập, chờ đến khi giá thấp để nhập hàng.

“Vấn đề cốt yếu là cơ quan quản lý Nhà nước về xăng dầu chưa bắt trúng bệnh, chưa nắm sát tình hình căn nguyên cơ bản của thị trường”, ông nói.

Lúc lãi chẳng có doanh nghiệp nào kêu ca?

Cùng trao đổi vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nói rằng, vấn đề xăng dầu lên giá, xuống giá, đại lý xăng tạm ngưng hoạt động diễn ra trong thời gian gần đây khiến nhiều người dân bức xúc.

Theo đại biểu Hoà, việc nhiều cây xăng vừa qua hoạt động cầm chừng, nhỏ giọt, thậm chí đóng cửa không bán hàng có liên quan tới việc chiết khấu xăng dầu. Nhiều cây xăng rơi vào tình trạng “càng bán, càng lỗ” nên ngừng hoạt động. Đây là có thể hiện tượng cục bộ nhưng phía sau đó có thể do nguồn cung khan hiếm, bị đứt gãy. Việc này có trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng việc thiếu hụt xăng dầu sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế - xã hội. Do đó, ông đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra, xem xét, tại sao, lý do gì lại diễn ra như vậy. Nguyên nhân từ đâu để có biện pháp tháo gỡ, tìm giải pháp tối ưu nhất.

Kinh tế vĩ mô - ĐBQH: Không thể chấp nhận ở Hà Nội, Tp.HCM mà lại xếp hàng hàng giờ để mua xăng (Hình 4).

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Ảnh: Hoàng Bích).

Nói về Quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quỹ này có lợi cho đại lý xăng dầu cấp 1, cấp 2, trong khi đó lại không có nhiều ý nghĩa với những đại lý bán trực tiếp.

Theo đại biểu, không thể lấy quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp mà cần có những giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý nhà nước điều hành trong vấn đề xăng dầu. Thị trường xăng dầu trong nước và trên thế giới còn tiềm ẩn những bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường, rất khó đoán định. Do vậy, đề xuất lấy Quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước là không hợp lý.

Đại biểu Hòa cho rằng, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội cũng như Bộ Tài chính không đồng tình và không thể để xảy ra chuyện lấy tiền của nhân dân để bù đắp cho doanh nghiệp.

Bởi khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhập khẩu hoặc bán lẻ xăng dầu phải vượt qua những điều kiện và có những quy định rất chặt chẽ của pháp luật. Đồng thời, khi bước vào kinh doanh, phải chấp nhận theo quy luật và xu hướng thị trường, nghĩa là lời ăn, lỗ chịu.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng nói thêm rằng, trước đây, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lãi rất “khủng khiếp” nhưng không thấy họ có ý kiến, còn một vài tháng trở lại đây, giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, tăng giảm thất thường thì lại lên tiếng về việc kinh doanh thua lỗ để xin hỗ trợ, nhất là bù giá, trợ giá hay bù chênh lệch.

Có thể thấy, tình trạng xăng dầu đang rất nóng. Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV cũng đang diễn ra, song Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lại không phải là tư lệnh ngành được chọn để chất vấn.

Việc Bộ trưởng Bộ Công Thương không được chọn trả lời chất vấn tại kỳ họp này là theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đại biểu Quốc hội sẽ chọn nhóm lĩnh vực tham gia chất vấn, trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, những vấn đề được ưu tiên là xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ, thanh tra.

Dù vậy, Bộ trưởng Công Thương cũng đã có 2 lần giải trình về tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước. Một lần là tại phiên họp tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 22/10 và một lần phiên thảo luận ở hội trường sáng 28/10. Song, nội dung Bộ trưởng đưa ra chưa đủ thuyết phục.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.