Đánh giá về mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, bên hành lang Quốc hội ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đã có những trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật.
PV: Thưa đại biểu, bà có đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng cuối năm 2021?
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi đã nghiên cứu rất kỹ báo cáo kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, cũng như báo cáo kế hoạch phát triển 5 năm.
Trong 5 năm tới, phải xác định là thời khắc vô cùng khác biệt so với giai đoạn trước. Bởi, chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, khó có thể chấm dứt trong năm 2021 mà có lẽ sẽ còn kéo dài một vài năm nữa. Nên, nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ khó khăn khi chúng ta phải đối mặt với đại dịch. Bài toán đặt ra là chúng ta phát triển kinh tế - xã hội như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh, đây là điều tôi cũng rất quan tâm.
PV: Dưới tác động của đại dịch Covid-19, theo đại biểu mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có ảnh hưởng ra sao?
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga: Trong báo cáo đã nêu đầy đủ khó khăn, thách thức, cũng như các giải pháp để phát triển, chúng ta đánh giá khảo sát rất tỉ mỉ dịch bệnh Covid-19 đã tác động như thế nào đến nền kinh tế , để khắc phục có những giải pháp ra sao.
Tuy nhiên, còn một tác động nữa mà hiện nay chưa có báo cáo nào làm rõ và chưa có khảo sát nhất định đó là dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam tác động xấu như thế nào đến sức khoẻ của con người?
Chúng ta thấy, cuộc sống bị đảo lộn khá nhiều khi Covid-19 xuất hiện, nếu chỉ ngày một ngày hai thì khắc phục dễ dàng và không để lại sang chấn tâm lý cho xã hội. Nhưng, dịch cứ kéo dài như vậy thì con người sẽ có những sang chấn tâm lý nhất định.
Ví dụ: Học sinh học online nhiều quá, ít giao tiếp, ít đến trường sẽ ảnh hưởng đến các kỹ năng của các em. Tầng lớp người già do dịch bệnh ít được gặp con cháu, thậm chí ít giao tiếp cũng sẽ dẫn đến tâm lý có vấn đề.
Hay tầng lớp tưởng như có sức khoẻ thể chất và tinh thần tốt nhất là tầng lớp thanh niên, nhưng cũng do dịch bệnh nên cơ hội việc làm, cơ hội lập nghiệp cũng bị ảnh hưởng, có những người còn phá sản…. dẫn đến việc có thể họ có khát vọng, dự liệu trong tương lai nhưng bị phá sản do đại dịch.
Như vậy, những điều này tác động rất xấu đến sức khoẻ tinh thần của con người, tôi e rằng chúng ta phải đối mặt với sự trầm cảm, khủng hoảng tâm lý trong dịch bệnh. Điều này, nếu không sớm quan tâm thì sẽ để lại hệ luỵ xã hội rất lớn.
Trên thực tế, hiện nay đã lác đác thấy sự ảnh hưởng này, tôi lấy dẫn chứng như: Trong thời kỳ dịch bệnh khi không trực tiếp giao tiếp được với nhau thì dùng mạng xã hội để giao tiếp. Nên, hiện tượng câu like, phát ngôn lệch chuẩn, giật gân trên mạng xã hội, có người đã bị xử lý thì tôi nghĩ đó cũng là sự khủng hoảng khi họ chưa biết làm cách nào để chứng tỏ mình thì họ dùng cách đó.
Thêm nữa, có những phản ứng rất tiêu cực từ cá nhân người dân (dù số ít) với lực lượng chức năng, với công tác phòng, chống dịch… Tôi nghĩ rằng, đây cũng là sự bột phát tác động bởi dịch bệnh đối với tâm lý con người. Vì thế, nếu không quan tâm đến việc bảo vệ sức khoẻ tinh thần của nhân dân khi dịch bệnh xảy ra thì hệ luỵ xã hội rất lớn.
PV: Vậy theo đại biểu, giải pháp trong thời gian tới để chúng ta đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra là gì?
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng, Chính phủ cần quan tâm và giao cho các cơ quan liên quan có giải pháp, như học sinh lâu ngày không được đến trường thì giải quyết bài toán tâm lý ra sao? Thậm chí cả thế hệ trẻ phải gác lại những ước mơ, hoài bão của mình vì dịch bệnh không thể khởi nghiệp được, bao nhiêu con người thất nghiệp nữa.
Về kinh tế, các gói hỗ trợ, kích cầu tốt rồi nhưng vẫn phải quan tâm đến sức khoẻ tinh thần của con người. Bởi, chúng ta phục hồi kinh tế có thể rất nhanh, dịch bệnh kết thúc là có thể phục hồi được, nhưng sức khoẻ tinh thần phải mất rất lâu mới có thể phục hồi được.
Tôi nghĩ, cần phải có hai hướng bởi dịch bệnh vô cùng khó lường. Nhưng, bằng sự nỗ lực của Chính phủ, sự chung sức, đồng lòng của người dân. Nếu nỗ lực, kiên trì thực hiện mục tiêu kép thì có thể đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, chúng ta phải kiên trì, còn nếu lơ là để dịch bệnh bùng phát thì khó lường. Việc giữ nghiêm các quy định phòng, chống dịch là rất quan trọng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Trong chương trình kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khoá XV, sáng ngày 22/7 tại nghị trường Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng cuối năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Hoàng Bích