Ấn tượng về điều tiết, phân bổ ngân sách
Chiều 25/3, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Đánh giá về nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Văn Quyền (đoàn Cần Thơ) nhìn nhận nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội và ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm tốt khi quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước Quốc hội đã làm rất tốt. Tuy nhiên, ông ấn tượng nhất là việc Quốc hội nắm rất chắc và điều tiết, phân bổ ngân sách có kế hoạch.
“Trước đây, chúng ta chưa có cơ chế nhưng đến khóa XIV thì Quốc hội đã làm rất tốt việc này. Quốc hội nào cũng vậy, vấn đề quan trọng nhất chính là nắm ngân sách và phân bổ ngân sách thế nào. Đó là mạch máu của nền kinh tế, của xã hội, của đất nước”, ĐBQH Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.
Quốc hội làm rất tốt, từ việc kiểm soát đến xây dựng các dự án lớn, cần tập trung đầu tư, thì Quốc hội quyết định luôn.
“Khóa XIV, Quốc hội chỉ đồng ý có 3 chương trình quốc gia, không còn tình trạng đua nhau đề xuất chương trình Quốc gia để có nguồn ngân sách để làm. Khi có ngân sách để làm rồi thì chương trình lãng phí tài sản, tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân. Nếu không làm được tốt thì tất cả nguồn lực của Nhà nước sẽ chảy máu”, ĐBQH Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.
Về hoạt động của tòa án, viện Kiểm sát, ĐBQH Nguyễn Văn Quyền đánh giá đã làm được nhiều việc, góp phần tạo ra một xã hội ổn định, bình an, cơ sở để phát triển kinh tế vững chắc, thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Văn Quyền cũng băn khoăn giữa mối quan hệ giữa viện kiểm sát với cơ quan điều tra. Theo ông cần có sự gắn kết hơn nữa giữa cơ quan kiểm sát và cơ quan điều tra theo tinh thần cải cách tư pháp. Nếu làm tốt được việc này thì sẽ có nhiều kết quả hơn nữa trong hoạt động.
Nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần
Cũng đóng góp ý kiến về các báo cáo này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) chia sẻ rằng, bản thân ông khi nghiên cứu các báo cáo này đã có nhiều cảm xúc, ông đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan, đánh giá cao hoạt động của Quốc hội tạo sinh lực mới, tạo áp lực cho các cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Ông Nhưỡng cũng bày tỏ xúc động trước những thành công và kết quả của Quốc hội. Sự phát triển của đất nước có đóng góp nhiều của ĐBQH.
Sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan khác không theo kiểu “xuôi chèo mát mái”, đồng hành nhưng không xuê xoa mà tạo áp lực cần thiết, đủ độ để Chính phủ điều chỉnh các hoạt động.
Chính phủ trước đây là cơ quan chấp hành, điều hành, hành chính nhưng bây giờ là Chính phủ xây dựng triết lý hành động, sáng tạo, phục vụ nhân dân.
Quốc hội thực hiện được vai trò là cơ quan đại diện của nhân dân, dân chủ, nhân văn, thông qua Quốc hội các vấn đề quan trọng của đất nước được giải quyết…
Chưa hoàn toàn yên lòng, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ băn khoăn về công tác giám sát của Quốc hội cho dù rộng và quyết liệt nhưng còn một số lĩnh vực chưa được quan tâm, ví dụ một cuộc giám sát tối cao về dân tộc miền núi mà ông đã đề cập đến ở 3 kỳ họp.
“Cử tri đề cập đến tôi, cho rằng thời lượng chất vấn của Quốc hội chưa nhiều. Chất lượng chất vấn tốt nhưng cần tăng thời lượng và nghiên cứu lấy phiếu tín nhiệm 2 lần với các thành viên Chính phủ và những người được Quốc hội bầu. Nếu chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần thì giá trị và hiệu quả mang lại không cao”, ông Nhưỡng đề xuất.
“Giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp với Quốc hội chưa cao, vẫn còn là hình thức. Quốc hội chưa đòi hỏi bất cứ một tập đoàn kinh tế nào giải trình trước Quốc hội. Tôi thấy cần yêu cầu các tập đoàn kinh tế, trước hết là tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước và sau đó là tư nhân giải trình trước Quốc hội vì họ đang sống và làm việc theo pháp luật”, ông Nhưỡng bày tỏ.
Vị ĐBQH tỉnh Bến Tre cũng băn khoăn vì hoạt động giám sát của đoàn ĐBQH và ĐBQH chưa cao, còn có sự ngại động chạm các vấn đề của địa phương.
“Đã làm ĐBQH thì cũng nên phải thể hiện như thế nào đó. Làm sao giao được chỉ tiêu giám sát cho ĐBQH ở khóa”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng mong muốn.
Ngổn ngang những kiến nghị còn dang dở
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng trăn trở vì một số vấn đề nhiệm kỳ trước chuyển lại cho khóa XIV chưa làm được như luật Biểu tình…, không hoàn thiện một cách sâu sắc hơn luật Tổ chức Quốc hội.
“Tôi - trong tâm trạng một người sẽ không tham gia Quốc hội nữa, thì ai sẽ là người giải quyết tiếp những vấn đề mình đặt ra nhưng chưa được giải quyết, hoặc đang giải quyết thì thế nào”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ tâm trạng ngổn ngang.
Ông dẫn chứng, riêng năm 2020, mình đã nhận 256 văn bản phản hồi kiến nghị từ Thủ tướng đến Bộ trưởng, trưởng ngành và các địa phương, trong đó tỉ lệ phần trăm ông đồng tình chưa nhiều, còn lại ông vẫn tiếp tục ý kiến.
Cuối cùng, vị ĐBQH đoàn Bến Tre kỳ vọng: “Chính phủ sáng tạo, hành động, Quốc hội phải là một Quốc hội nhân văn, còn cơ quan tư pháp, đặc biệt là tòa án phải là hiện thân của công lý. Nếu cả 3 nhánh đồng hành thực hiện được như vậy thì sẽ có một Nhà nước mạnh, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện pháp luật”.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đánh giá, hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội XIV mang tính sâu đậm, lan tỏa. Hoạt động của Quốc hội đã giúp Đảng, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước đánh giá lại chính sách và sự lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động của mình.