Để AI trở thành động lực phát triển con người trong kỷ nguyên mới

Phạm Thị Thanh Loan

Phạm Thị Thanh Loan

Thứ 2, 12/05/2025 17:32

Theo bà Ramla Khalidi, Việt Nam cần hành động ngay để đảm bảo AI trở thành động lực thúc đẩy công bằng, bền vững và tiến bộ của con người tại Việt Nam và trên thế giới.

Việt Nam "cần hành động ngay"

Chiều 12/5, tại Hội thảo về Báo cáo Phát triển Con người 2025 với chủ đề "Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vì con người – Phát triển con người trong kỷ nguyên AI", bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh báo cáo kêu gọi các chính phủ và xã hội định hình AI một cách có trách nhiệm để AI phục vụ con người, chứ không phải ngược lại. Cần khuyến khích phát triển, sử dụng AI có đạo đức và bao trùm như một con đường dẫn đến tăng trưởng chỉ số phát triển con người bền vững.

Theo Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, trên toàn thế giới, khoảng cách về AI đang ngày càng lớn. Nếu không được kiểm soát, nó có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ toàn cầu. Việt Nam phải hành động ngay để tránh rơi vào khoảng cách đó.

"Chúng ta cần hành động ngay để đảm bảo AI trở thành động lực thúc đẩy công bằng, bền vững và tiến bộ của con người tại Việt Nam và trên thế giới", bà Ramla Khalidi khẳng định

Để AI trở thành động lực phát triển con người trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.

Trình bày các nội dung chính của báo cáo HDR 2025, bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Tăng trưởng Bao trùm, UNDP tại Việt Nam, cho biết chỉ số phát triển con người (HDI) là thước đo tóm tắt về thành tựu trung bình ở các chiều cạnh chính của phát triển con người: sức khỏe, giáo dục và mức sống. Được tạo ra để nhấn mạnh rằng con người và sự phát triển con người phải là tiêu chí cuối cùng để đánh giá sự phát triển của một quốc gia.

Theo đó, chỉ số HDI của Việt Nam năm 2023 đạt 0,766, xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao, đứng thứ 93 trên tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 - 2023, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,499 lên 0,766 - tăng 53,5%, một bước tiến ấn tượng. Điều đó cũng cho thấy những cam kết của chính phủ Việt Nam trong việc đẩy nhanh sự tiến bộ của con người.

"Các nhà hoạch định chính sách nên định hình tương lai, tránh việc cố gắng đoán xem con người sẽ bị AI thay thế như thế nào, để thấy được tiềm năng con người có thể làm được những gì với AI", bà Ngọc nói.

Để AI trở thành động lực phát triển con người trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc - Trợ lý Đại diện Thường trú, Trưởng phòng Tăng trưởng Bao trùm, UNDP Việt Nam.

Ông Jonathan London, chuyên gia kinh tế cao cấp, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng nhìn nhận, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa "cất cánh bền vững và bao trùm" nhờ AI — với điều kiện phải quản trị tốt công nghệ này. 

"Công nghệ không phải là câu trả lời, vấn đề là cách Việt Nam quản lý nó như thế nào", ông nhấn mạnh.

Theo đó, Việt Nam có nhiều lợi thế: dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, cam kết chính trị mạnh mẽ với số hóa. Tuy nhiên, các thách thức cũng không nhỏ: bất bình đẳng thu nhập, chênh lệch vùng miền, và khoảng cách kỹ năng. 

Hiện 57% lao động Việt Nam thuộc khu vực phi chính thức, điều này đồng nghĩa AI có thể vừa là công cụ để nâng cấp, chính thức hóa lực lượng lao động, vừa là nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng nếu tiếp cận không đồng đều.

Ông Jonathan London, chuyên gia kinh tế cao cấp, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể tận dụng AI để nâng cao năng suất trong các ngành then chốt như nông nghiệp, công nghiệp chip, đồng thời giảm bớt tổn thất về năng lượng, nâng cao khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu. 

Dù vậy, ông cũng cảnh báo: "Nếu không xác định rõ điểm vào và thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược, AI hoàn toàn có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách cơ hội giữa các nhóm xã hội, giữa các vùng miền".

Từ góc độ chuỗi giá trị, Việt Nam được khuyến khích chọn các "lĩnh vực ngách" như kiểm thử, đóng gói chip, phát triển các giải pháp AI tùy chỉnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay vì cố gắng cạnh tranh trực diện với các siêu cường.

Khẩn trương xây dựng bộ quy tắc đạo đức AI 

Tại đây, PGS. TS. Cao Thu Hằng - Vụ trưởng, Trưởng ban Thông tin Khoa học và Công nghệ, Tạp chí Cộng sản nhìn nhận AI cũng có hai mặt tác động đối với sự phát triển con người. 

Theo bà, AI đang giúp các quốc gia đổi mới mô hình tăng trưởng, tối ưu hóa năng suất, nâng cao tuổi thọ, cải thiện giáo dục. Tuy nhiên, không thể cho rằng, có sự phát triển con người khi quyền / dữ liệu riêng tư bị xâm phạm; khi quyền tự chủ của con người bị điều hướng bởi thuật toán của AI; khi năng lực sáng tạo của con người bị giảm sút do lệ thuộc vào AI.

Để AI trở thành động lực phát triển con người trong kỷ nguyên mới- Ảnh 3.

PGS. TS. Cao Thu Hằng - Vụ trưởng, Trưởng ban Thông tin Khoa học và Công nghệ, Tạp chí Cộng sản.

Do đó, bà đề xuất Việt Nam cần khẩn trương xây dựng bộ quy tắc đạo đức AI với các chuẩn mực như minh bạch, công bằng, trách nhiệm, giải trình. Đồng thời, cần đẩy mạnh giáo dục dân trí, nâng cao năng lực phản biện và sáng tạo để người dân không chỉ hưởng lợi từ AI mà còn biết bảo vệ mình trước các rủi ro.

Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để xác định rõ trách nhiệm trong các trường hợp AI gây thiệt hại, và thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm sự phát triển của AI luôn hướng về con người, chứ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

"Dù AI có những hạn chế, tiêu cực, nhưng nếu chúng ta biết phát triển, sử dụng AI thì nó là côn cụ tốt cho sự phát triển con người. Điều này cũng không quá khó khăn, vấn đề là chúng ta có cam kết và nỗ lực thực hiện hay không, bởi AI là sản phẩm do con người tạo ra và chỉ thực hiện những nhiệm vụ đã được lập trình, hoặc theo thói quen", PGS. TS. Cao Thu Hằng nhấn mạnh. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.