Chào luật sư Truyền, mới đây, trong hội thảo “An ninh nước vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”, đã có nhiều ý kiến đóng góp và cho rằng cần luật hóa an ninh nguồn nước. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng an ninh nguồn nước hiện nay?
Nước là nguồn sống của mọi con người, là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội. Nước quyết định sự tồn vong của một quốc gia - dân tộc. Nguồn nước và nước sạch liên quan trực tiếp đến tất cả mọi người, mọi vùng, kể cả ở nông thôn và đô thị. Bảo đảm nguồn nước và nước sạch đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu, đồng thời cũng là vấn đề cấp thiết của nước ta, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ liên quan đến nguồn nước và chất lượng nguồn nước. Mặc dù nguồn Tài nguyên nước rất dồi dào song phân bố không đều theo thời gian và không gian, có tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng, khô hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn. Ngoài ra, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài.
An ninh nguồn nước là vấn đề của toàn thế giới, được nhiều quốc gia quan tâm, nỗ lực giải quyết tới 4 trọng tâm chính, đó là: Đảm bảo các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan được bảo vệ và củng cố; Bảo đảm phát triển bền vững và ổn định chính trị; Mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý; Các đối tượng dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước.
Có ý kiến đề nghị phải luật hóa an ninh nguồn nước trong Luật phòng chống thiên tai, Luật thủy lợi để cho người dân biết. Theo ông, việc này có phù hợp và khả thi?
Tôi cho rằng phù hợp và khả thi bởi lẽ: Ở Việt Nam, để bảo đảm an ninh nguồn nước, Quốc hội đã ban hành hành lang pháp lý với các đạo luật như: Luật Tài nguyên nước, Luật thủy lợi, Luật bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Phòng, chống thiên tai… đang đòi hỏi cần có giải pháp để quản lý tổng thể các ngành kinh tế sử dụng nước để bảo đảm phát triển bền vững; Nâng cao tính thích ứng của nền sản xuất; Vấn đề tích trữ nước, điều chuyển nước từ nơi thừa sang nơi thiếu; Vấn đề sử dụng nước tiết kiệm; quan hệ quốc tế với các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông.
Đối với an toàn hồ, đập, trong nhiều năm qua, chúng ta xây dựng gần 7.000 đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; Đã phát huy tốt vai trò trị thủy, cấp nước, cấp điện; Phòng chống lũ; Tạo tăng trưởng lớn cho các ngành kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do đã được xây dựng từ nhiều năm nên trong số đó có tới trên 1.000 hồ đập hư hỏng, xuống cấp; 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nặng. Trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn là rất lớn. Đây cũng đang là một thách thức lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, cả hệ thống chính trị trong quá trình phát triển, vừa phải bảo đảm cho khai thác, vận hành của đập, hồ chứa để bảo đảm mục đích phát triển kinh tế- xã hội; Vừa phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hạ du và ổn định cuộc sống của người dân.
Khi luật hóa việc an ninh nguồn nước, tôi cho rằng sẽ có những tích cực: Tận dung được tối đa nguồn nước nội sinh; Giảm phụ thuộc vào nguồn nước từ bên ngoài; Cân đối nguồn nước tại chỗ, kết nối, liên kết nguồn nước giữa các mùa, vùng, lưu vực sông tiến tới hình thành mạng lưới liên kết nguồn nước quốc gia.
Khi được luật hóa bằng một điều khoản cụ thể, đi kèm với đó sẽ là chế tài xử lý các hành vi vi phạm, là một chuyên gia pháp lý, nếu đóng góp ý kiến vào quy trình này, ông sẽ có những góp ý gì?
Việc ban hành quy định pháp luật về nguyên tắc phải đảm bảo tính phù hợp với xã hội. Đối với mối quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh có những nội dung độc lập riêng biệt khác nhau. Tuy nhiên để xây dựng và ban hành quy phạm pháp luật lại là một quy trình chi tiết cụ thể đã được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luât. Do đó, tôi cho rằng: Yếu tố tiên quyết là phải đánh giá tính phù hợp, tính tích cực, tính phòng ngừa của quy phạm để ban hành; Lấy ý kiến đóng góp của người dân cũng như chuyên gia.
Các chuyên gia tham gia hội thảo cũng cho rằng bảo đảm nguồn nước và nước sạch là vấn đề cấp thiết tại Việt Nam, vì thiệt hại về nước hằng năm chiếm khoảng 3% GDP. Dưới góc độ pháp lý và kinh tế, ông có suy nghĩ gì về con số này?
Tôi cũng chưa được biết là họ tính mức thiệt hại này như thế nào. Còn theo quy định pháp luật, để xác định mức thiệt hại phải dựa trên các yêu tố: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng: Cần xác định giá trị thực tế của tài sản để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ giá trị tài sản. Giá trị của tài sản không thống nhất ở thời điểm gây thiệt hại và thời điểm bồi thường. Do đó, khi xác định giá trị của tài sản lưu ý xác định giá trị thực tế của tài sản vào thời điểm tòa án xét xử sơ thẩm để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút: Đây là thiệt hại gián tiếp liên quan đến tài sản bị thiệt hại. Tài sản luôn chứa đựng trong nó những lợi ích nhất định, những lợi ích này sẽ thu được thông qua hành vi khai thác, sử dụng của con người. Lợi ích gắn liền với việc khai thác, sử dụng tài sản có thể được hiểu là những lợi ích vật chất cụ thể mà người bị thiệt hại không thu được kể từ khi tài sản bị xâm phạm (hoa màu không thu hoạch được, xe ô tô bị hư hỏng nặng không thể sử dụng để làm taxi…).
Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại: Người bị thiệt hại đã phải bỏ ra các chi phí để ngăn chặn, không cho thiệt hại tiếp tục phát sinh hoặc phải bỏ ra các chi phí để ngăn chặn, không cho thiệt hại tiếp tục phát sinh hoặc phải bỏ ra chi phí khác để khắc phục thiệt hại. Và các thiệt hại khác theo quy định của pháp luật.
Dẫn chứng ví dụ Israel biến nước mặn thành nước ngọt, bán cho các nước khác với giá cao, có nhà khoa học cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi và tận dụng lợi thế trở thành nước xuất khẩu nước lớn nhất thế giới, ông có nghĩ việc này khả thi hay không?
Khả thi hay không khả thi dựa vào nhiều yếu tố: Trình độ khoa học kỹ thuật; Mức độ đầu tư thực hiện Dự án này; Tính toán mức lợi nhuận trên mức đầu tư; Nguồn tài nguyên để thực hiện dư án.
Dưới góc độ chuyên gia pháp lý, ông có cho rằng, cho đến nay chưa có những quy định pháp lý cụ thể, rõ ràng để quản lý, ngăn chặn phòng ngừa, răn đe, xử lý các hành vi vi phạm về an ninh nguồn nước có phải là một lỗ hổng pháp lý hay không?
Đã có những quy định về xử phạt hành chính như khoản 02 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.
Có thể thấy, đã có những quy định liên quan ở các văn bản pháp luật. Nhưng việc xây dựng này nhằm thể hiện những quy định, mức độ vi phạm và sự quan tâm của Nhà nước về an ninh nguồn nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mới đây, tại Hội thảo “An ninh nước vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, các chuyên gia đã lên tiếng báo động về tình trạng an ninh nước ở Việt Nam.
TS Đào Trọng Tứ- Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: “Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm là 80,6 tỷ m3/ 830 tỉ m3 (10% tổng lượng nước của cả nước. Trong đó hơn 80% (khoảng 65 tỉ m3/năm) sử dụng cho nông nghiệp; nhu cầu dùng nước cho dân sinh, công nghiệp sẽ lên đến khoảng 130- 150 tỉ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỉ m3). Nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Hiện 20% người dân chưa được sử dụng nước sạch, 17,2 triệu người vẫn sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế”.
TS Đào Trọng Tứ phân tích: Ở góc độ về quyền chủ động đối với nguồn nước, tài nguyên nước Việt Nam không phong phú, phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước ngoài biên giới. Sự gia tăng dân số nhanh chóng, kinh tế phát triển mạnh, nhu cầu khai thác và sử dụng nước cả nước mặt và nước ngầm cho dân sinh, kinh tế trong nước gia tăng, phát triển thủy điện ồ ạt và dày đặc trên tất cả các lưu vực sông gây nhiều vấn đề môi trường- nguồn nước- rủi ro khi thiên tai.
"Ô nhiễm nguồn nước do xả thải thiếu hoặc không kiểm soát diễn ra ở tất cả các lưu vực sông, gây ra tình trạng suy thoái và cạn kiệt nguồn nước mặt và nước ngầm. Hơn nữa, việc phát triển và sử dụng nước các quốc gia thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế của Việt Nam đang không ngừng gia tăng, tạo thách thức ngày càng lớn đối với quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, hệ sinh thái"- TS. Tứ cho hay.
Theo ông, tác động của biến đổi khí hậu đang hiện hữu và ngày càng tăng gây sức ép lên tài nguyên nước của Việt Nam. Đồng thời, việc quản lý tài nguyên nước còn nhiều bất cập là một trong những nguyên nhân không ngăn chặn và đẩy lùi được suy thoái và cạn kiệt tài nguyên nước.
TS Phạm Văn Tân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA cho biết: “Hiện nay chúng ta phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ liên quan đến nguồn nước và chất lượng nguồn nước. Sự cố ô nhiễm nước đầu nguồn sông Đà là một trong những vụ việc lớn nhưng không phải là hãn hữu ở Việt Nam. Câu chuyện bảo vệ nguồn nước đã đến lúc phải báo động mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Từ sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu đầu tháng 10/2019, các chuyên gia và các nhà quản lý ngành nước đã có những cảnh báo về an ninh nguồn nước và quy trình cấp nước an toàn ở Việt Nam hiện nay. Dùng nước lãng phí và làm ô nhiễm tất cả các hệ thống sông ngòi nội địa, khiến cho mối đe dọa an ninh nguồn nước là mối đe dọa hàng đầu.