Đề Ngữ văn vào 10 Hà Nội gây bất ngờ với cả thí sinh và giáo viên, nhưng phổ điểm sẽ cao

Đề Ngữ văn vào 10 Hà Nội gây bất ngờ với cả thí sinh và giáo viên, nhưng phổ điểm sẽ cao

Vũ Thị Thủy Tiên

Vũ Thị Thủy Tiên

Thứ 6, 17/07/2020 12:40

Hoàn thành bài thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh tự tin với bài làm trong khi chuyên gia nhận định, nhiều giáo viên sẽ bất ngờ với đề thi này.

Đề thi gây bất ngờ với giáo viên

Sáng ngày 17/7, gần 90.000 thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội.

Cũng đưa con đi thi trong sáng nay, cô Lê Thị Thái Thanh, giáo viên Ngữ văn trường THCS Chu Văn An nhận định: “Tôi vừa được xem đề thi, thấy cấu trúc tương tự năm ngoái, phần I cấu trúc đề không mới, nội dung đề kiến thức cơ bản phù hợp với học sinh. Bài Viếng lăng Bác hỏi rất cơ bản về hoàn cảnh ra đời, nghệ thuật, viết đoạn văn trình bày cảm nhận. Tôi nghĩ, với đề này, học sinh có sẽ làm tốt, chỉ cần có kỹ năng đọc hiểu, viết đoạn văn, sử dụng yêu cầu tiếng Việt, những kiến thức này không làm khó được các em”.

“Tôi có chút băn khoăn về biểu điểm, và kỹ năng của học sinh, phổ điểm chắc tầm 6-7 và sẽ khó lấy điểm tối đa, vì phần nghị luận xa hội là “cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách của mỗi người”. Học sinh không quen thuộc với dạng bài như vậy, phải hiểu biết về xã hội thì mới làm tốt. Học sinh khá giỏi thì sẽ làm được còn trung bình thì có lẽ khó. Trọng tâm đề thi rơi vào kỳ II, mà chương trình kỳ II thì gần như các em học trên truyền hình do dịch Covid-19. Phần tiếp theo rơi vào kiến thức Ngữ văn kỳ I, ngữ liệu ngoài chương trình, đã được cảnh báo từ trước rồi”, cô Thanh cho biết thêm.

Giáo dục - Đề Ngữ văn vào 10 Hà Nội gây bất ngờ với cả thí sinh và giáo viên, nhưng phổ điểm sẽ cao

Cô Lê Thị Thái Thanh, giáo viên Ngữ văn trường THCS Chu Văn An.

Đánh giá về đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi năm nay, cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn tại hệ thống Giáo dục Hocmai nhận định: “Đề thi vẫn có cấu trúc quen thuộc với 2 phần, 1 phần thơ kết hợp với nghị luận văn học và 1 phần văn xuôi kết hợp với nghị luận xã hội. Đề sẽ gây bất ngờ với một số giáo viên bởi tác phẩm “Viếng lăng Bác” - Viễn Phương thuộc chương trình Ngữ văn 9 kỳ II, trong khi phần lớn giáo viên đánh giá đề sẽ rơi vào kỳ I do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đây cũng là một tác phẩm trọng tâm trong phần thi học kỳ Ngữ văn 9 kỳ II nên cũng sẽ không gây khó khăn cho học sinh và không thuộc phần tinh giản”.

Giáo dục - Đề Ngữ văn vào 10 Hà Nội gây bất ngờ với cả thí sinh và giáo viên, nhưng phổ điểm sẽ cao (Hình 2).

Đề thi môn Ngữ văn.

“Bên cạnh đó, yêu cầu Tiếng Việt hướng vào phép nối và tình phần tình thái cũng là những yêu cầu đơn giản mà học sinh có thể dễ dàng thực hiện. Câu liên hệ với một tác phẩm khác có cùng đề tài cũng không gây khó dễ cho học sinh. 

Phần II là một văn bản thuộc phần bài tập trong sách Ngữ văn 9 tập I. Với những câu hỏi đọc hiểu cơ bản, tuy nhiên có một chút mới mẻ ở phần nghị luận xã hội khi đưa ra một vấn đề dưới dạng một nhận định Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách mỗi người”, cô Phượng phân tích thêm.

Cuối cùng, cô Đỗ Khánh Phượng đánh giá chung: “Đề an toàn, đảm bảo kiến thức cơ bản, giảm bớt yếu tố học thuộc khi không yêu cầu học sinh chép thơ. Phổ điểm học sinh có thể đạt được là 6 - 7 điểm, thậm chí học sinh dễ dàng đạt điểm cao hơn”. 

Để được trên 8, thí sinh cần những gì?

Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Anhxtanh cũng cho biết: “Đề thi văn vào lớp 10 của Hà Nội năm nay vẫn giữ cấu trúc quen thuộc như đề thi năm trước với hai phần. Phần I kiểm tra khả năng đọc hiểu văn bản Viếng lăng Bác - bài thơ các em được học trong chương trình học kỳ II, khi trở lại học sau đợt nghỉ dịch Covid-19. Phần II là một câu chuyện ngắn trích trong sách Ngữ văn 9 và yêu cầu nghị luận về mối quan hệ giữa cách ứng xử và nhân cách của con người.

Nội dung kiến thức đề ra nằm trong chương trình Ngữ văn 9. Không có câu hỏi nào nằm trong phần giảm tải kiến thức mà bộ GD&ĐT đã công bố. Với cấu trúc quen thuộc, các câu hỏi vào những phần kiến thức các em mới được học, ôn, những học sinh có quá trình ôn tập chu đáo, kĩ năng làm bài thành thạo sẽ hoàn thành tốt đề thi này. Phổ điểm chủ yếu sẽ rơi vào khoảng 6-7 điểm”.

Giáo dục - Đề Ngữ văn vào 10 Hà Nội gây bất ngờ với cả thí sinh và giáo viên, nhưng phổ điểm sẽ cao (Hình 3).

Thí sinh trong phòng thi tại điểm trường THCS Quang Trung - Đống Đa sáng ngày 17/7.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Ngữ văn trường phổ thông liên cấp Wellspring cũng đánh giá đề thi Văn năm nay cơ bản và vừa sức với học sinh, kiểm tra toàn diện kiến thức nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

“Với đề này, học sinh đã ôn tập theo hướng dẫn của thầy cô trên lớp sẽ làm được phổ điểm từ 6-7,5 là có thể đạt được. Phần I kiểm tra về Viếng lăng Bác với những câu hỏi cơ bản kiểm tra kiến thức về hoàn cảnh sáng tác, biện pháp tu từ, nghị luận về khổ 3 bài thơ câu hỏi liên hệ đến tác phẩm viết về Bác. Phần II, ngữ liệu nằm trong sách giáo khoa lớp 9 quen thuộc, câu hỏi nghị luận đưa ra ý kiến thuộc vấn đề tư tưởng đạo lý, học sinh cần đi theo các thao tác nghị luận giải thích và chứng minh vì sao “cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách mỗi người”, đồng thời, liên hệ và đưa dẫn chứng thuyết phục. Để được trên 8, học sinh cần diễn đạt trôi chảy, cảm thụ tốt vấn đề, thể hiện hiểu biết xã hội sâu sắc.

Đề Văn cần “văn chương” hơn, mới mẻ hơn!

Theo đánh giá của TS. Văn học Trịnh Thu Tuyết, nhìn tổng thể, đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 -2021, môn Ngữ văn của sở GD&ĐT Hà Nội không có thay đổi từ cấu trúc tới tính chất, mức độ, kiểu dạng các câu hỏi so với những năm gần đây. 

Phần thứ I có 4 câu hỏi lần lượt kiểm tra các kiến thức về bài thơ Viếng lăng Bác và các tác phẩm cùng chủ đề, kỹ năng cảm thụ và thông hiểu, kỹ năng viết đoạn văn theo những yêu cầu cụ thể về nội dung và hình thức được xác định trong câu lệnh. Đó là những đơn vị kiến thức và kỹ năng quen thuộc với cấp THCS, sẽ không làm khó cho các em. Thậm chí, yêu cầu đặt ra trong câu hỏi 2 cụ thể tới mức như một sự khơi mở định hướng quá rõ cho học sinh, giảm thiểu nhu cầu tư duy của mức độ thông hiểu. Thay vì yêu cầu:“Chỉ ra một hình ảnh thực và một hình ảnh ẩn dụ sóng đôi với nhau trong hai câu thơ trên. Việc xây dựng cặp hình ảnh sóng đôi đó có tác dụng gì?”, học sinh sẽ phải huy động kiến thức tiếng Việt để đáp ứng mức độ thông hiểu cao hơn nếu yêu cầu:“Phân tích giá trị biểu đạt và biểu cảm của hình ảnh “mặt trời” ở hai dòng thơ “…”?

Giáo dục - Đề Ngữ văn vào 10 Hà Nội gây bất ngờ với cả thí sinh và giáo viên, nhưng phổ điểm sẽ cao (Hình 4).

Các thí sinh vẫn tranh thủ dò lại kiến thứuc trước khi vào phòng thi.

Phần thứ II đề cập vấn đề ứng xử giữa con người với con người, cụ thể là giữa người học trò thành đạt với thầy giáo cũ qua một đoạn thoại ngắn của câu chuyện kể trong sách Ngữ văn lớp 9. Câu hỏi số 1 ở mức độ nhận biết, kiểm tra về kiến thức tiếng Việt, cũng là câu hỏi giúp các em hoàn toàn có khả năng đạt điểm tuyệt đối do việc xác định phương thức biểu đạt trong đoạn trích quá rõ ràng, không gây nhầm lẫn. Câu hỏi 2 ở mức độ thông hiểu, nhưng cũng như câu thông hiểu ở phần 1, câu này tương đối đơn giản cho suy luận của thí sinh khi yêu cầu các em nêu rõ cách hiểu của mình về vị danh tướng qua câu nói của ông với thầy giáo cũ, các em hoàn toàn có khả năng đạt điểm tối đa ở câu này. Yêu cầu trong câu 3, câu nghị luận xã hội có thể tạo chút băn khoăn. Thứ nhất, ý kiến bàn luận nêu trong đề:“Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách mỗi con người” là điều hầu như không cần bàn luận – nhân cách con người luôn biểu hiện qua cách ứng xử của họ, đó là điều hiển nhiên, yêu cầu suy nghĩ về một điều hiển nhiên sẽ rất khó tìm thấy những kiến giải, phản biện… sắc sảo, độc đao cho bài luận. Thứ hai, phạm vi kiến thức được gợi ý sử dụng cho việc bàn luận là “cách ứng xử của danh tướng và thầy giáo trong văn bản trên, kết hợp với hiểu biết xã hội” sẽ có thể đưa tới những suy nghĩ khá phản cảm. Ngay cụm từ “danh tướng và thầy giáo” của câu lệnh cũng ít nhiều gợi sự ngậm ngùi cho giáo giới khi cách xếp thứ tự không theo tuổi tác, tôn ti truyền thống mà theo vị thế xã hội; và nếu thí sinh quan sát cách ứng xử của người thầy với học trò cũ, có thể sẽ thấy sự ngậm ngùi rõ hơn cho tâm thế người thầy khi “Người thầy giáo già hoảng hốt: -Thưa ngài, ngài là…” – và nếu kết hợp hiểu biết xã hội, biết đâu các em còn có những liên tưởng buồn hơn cho nhân tình thế thái, ít nhất trong sự thay bậc đổi ngôi giữa thầy và trò - khi đọc đoạn thoại này, có học trò đã chia sẻ: Sự “hoảng hốt” khiến thầy không còn phong thái người thầy, khi người thầy mất đi lòng tự trọng thì làm sao khiến trò tôn trọng được cô ơi!”.

Cuối cùng, TS. Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh: “Nhìn chung đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020-2021, môn Ngữ văn của sở GD&ĐT Hà Nội khá an toàn, vừa sức với học trò, nhưng dư luận vẫn luôn chờ đợi một sự thay đổi lớn hơn, để đề Văn “văn chương” hơn, mới mẻ hơn”.

Quang Trường - Thủy Tiên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.