Đề ra mục tiêu lợi nhuận tham vọng, Vinaconex chỉ thực hiện được 75%

Đề ra mục tiêu lợi nhuận tham vọng, Vinaconex chỉ thực hiện được 75%

Nguyễn Hồng Nhung

Nguyễn Hồng Nhung

Thứ 4, 01/02/2023 15:42

Năm 2022, Vinaconex ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 57% nhưng chỉ hoàn thành 75% kế hoạch vì đề ra mục tiêu quá cao so với tình hình kinh doanh của công ty.

Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 ghi nhận doanh thu và lợi nhuận năm 2022 cùng tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo đó, trong quý IV/2022, doanh nghiệp đạt 1.929 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng ghi nhận sụt giảm hơn một nửa, xuống còn hơn 80 tỷ đồng.

Kết quả này diễn ra trước bối cảnh thị trường bất động sản nói chung và ngành xây dựng nói riêng quý cuối năm có nhiều diễn biến tiêu cực, Vinaconex cũng bị ảnh hưởng theo đà giảm chung của toàn ngành.

Dù vậy, nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc trong các quý trước đó, luỹ kế năm 2022, Vinaconex vẫn báo lãi 1.049 tỷ đồng, tăng 57% với mức doanh thu khá ấn tượng – 8.629 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ.

Hoạt động xây lắp mang về cho công ty tới 70% cơ cấu doanh thu (5.991 tỷ đồng), tiếp đó là sản xuất công nghiệp (949 tỷ đồng), kinh doanh bất động sản (608 tỷ đồng), giáo dục (212 tỷ đồng)…

Trong đó, có nhiều gói thầu thi công xây dựng tại các dự án trọng điểm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp có nguồn vốn từ ngân sách, vốn FDI như: Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Dự án cảng hàng không quốc tế Phú Bài; Dự án Nhiệt điện Vũng Áng… đã đóng góp một phần không nhỏ vào doanh thu của công ty.

Năm 2022, công ty thông qua mục tiêu kinh doanh tham vọng với doanh thu hợp nhất đạt 15.300 tỷ đồng và lợi nhuận 1.400 tỷ đồng. Do đó, dù ghi nhận tăng trưởng nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể cán đích doanh thu và lợi nhuận, lần lượt chỉ thực hiện được 63% và 75% kế hoạch đề ra.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản công ty ghi nhận hơn 32.285 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn. Hàng tồn kho tăng mạnh gấp đôi đầu năm lên 6.767 tỷ đồng, đa phần nằm ở chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

Ngoài ra, doanh nghiệp xây dựng có hơn 3.062 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng (bao gồm cả tiền gửi ngắn hạn).

Nợ phải trả của công ty tại thời điểm cuối năm 2022 ghi nhận giảm 4% về ngưỡng 22.259 tỷ đồng, tương đương 69% tổng tài sản. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính đạt 13.222 tỷ đồng, đa phần là vay ngân hàng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.