Theo đó, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày tờ trình về dự thảo sửa đổi luật Giáo dục trước Quốc hội tại phiên họp ngày 29/5, đã cho rằng, lâu nay ngành Giáo dục vẫn đang áp dụng chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành Sư phạm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nhu cầu thị trường lao động đã thay đổi, sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề gây lãng phí. Bởi vậy cần thiết phải bỏ quy định miễn học phí đối với sinh viên ngành này.
Do đó, dự thảo luật Giáo dục lần này sửa đổi theo hướng không miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm.
Cụ thể, học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng ưu đãi để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập; các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội. Sau khi tốt nghiệp, nếu các sinh viên công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian theo quy định thì sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Liên quan đến vấn đề trên, bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, chính sách này phù hợp trong tình hình thị trường lao động có nhiều thay đổi như hiện nay. Tuy nhiên, việc thể chế hóa cần được hướng dẫn bởi văn bản dưới luật. Trong đó, nếu quy định sinh viên ngành Sư phạm sau khi ra trường công tác đúng lĩnh vực sư phạm được xóa nợ vay tín dụng thì bao nhiêu năm sẽ được xóa?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phân tích: “Trên thực tế, có nhiều sinh viên sư phạm được tạo điều kiện về học phí không phải đóng, nhưng khi ra trường thì không theo nghề sư phạm. Gói tín dụng ưu đãi dành cho sinh viên sư phạm, tôi nghĩ rằng phù hợp với xu hướng chung. Vì khi được vay để trang trải học tập, sau đó sẽ có sự cống hiến trở lại của sinh viên khi ra trường làm việc".
Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, chính sách miễn giảm học phí thời gian qua cho thấy nhiều bất cập. Nhiều sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm. Bởi, số lượng học sinh giỏi các trường phổ thông không lựa chọn ngành Sư phạm nên điểm chuẩn ngành này rất thấp. Điều đó cho thấy, chính sách miễn giảm học phí không thu hút được người giỏi vào ngành.
“Phần gốc của vấn đề là phải tạo cơ hội việc làm để những sinh viên sư phạm tốt nghiệp giỏi khi ra trường có việc làm ngay. Đây mới chính là nút thắt cần phải gỡ để thu hút số lượng những học sinh giỏi ở phổ thông hiện nay lựa chọn để học ngành Sư phạm”, Đại biểu Hoa nói.