Báo VnExpress đưa tin, ngày 16/3, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, trong tháng 3 Bộ sẽ trình Chính phủ chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Hiện dự thảo đã lấy xong ý kiến 12 bộ ngành, 4 tỉnh thành Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, 6 Sở và 12 Hiệp hội.
Bộ Lao động đề xuất trích 6.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động có nguy cơ mất việc do ảnh hưởng của đại dịch trong các doanh nghiệp. Dự kiến mỗi người nhận hỗ trợ một triệu đồng mỗi tháng, liên tục trong 6 tháng. Khoảng một triệu lao động sẽ thụ hưởng nếu chính sách được thông qua.
Doanh nghiệp áp dụng chính sách này phải đáp ứng các điều kiện: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động liên tục 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của Covid-19; có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ, trong đó thể hiện doanh thu bị giảm từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019. Doanh nghiệp phải có phương án cụ thể về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bằng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020 số người đề nghị đến cơ quan chức năng để được hưởng trợ cấp thất nghiệp lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tỷ lệ người lựa chọn học nghề rất thấp. Năm 2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề là hơn 251.000 người, với số tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là hơn 482 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có nhu cầu gửi hồ sơ về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định. Thời hạn áp dụng hỗ trợ dự kiến một năm kể từ ngày chính sách được ban hành.
Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất và cắt giảm lao động. Luật Việc làm quy định Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động do chuyển đổi công nghệ. Song các điều kiện đặt ra khó tiếp cận, như quy mô lao động bị cắt giảm phải từ 30% trở lên, không đủ kinh phí cho đào tạo lại lao động thông qua báo cáo sản xuất kinh doanh của năm trước mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế... Tới nay, chưa doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện và được hưởng chế độ này.
Đến cuối năm 2020, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư khoảng 84.000 tỷ đồng. Cùng năm này, hơn 1,1 triệu lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 32% so với năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch. 43% lao động nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp đến từ 5 tỉnh thành có công nghiệp phát triển, gồm Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Hơn 26.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, chủ yếu học lái xe, nấu ăn, pha chế.
Theo báo Tiền Phong, ông Đoàn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty CP May Nam Hà cho biết, đơn vị đang sử dụng hơn 500 lao động. Lâu nay, công nghệ sản xuất liên tục thay đổi, doanh nghiệp phải đổi mới theo, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh. Mỗi khi có máy móc mới, doanh nghiệp phải đào tạo, hướng dẫn lao động vận hành.
“Đào tạo lao động cũ sử dụng công nghệ mới là quá trình liên tục, không phải nhập công nghệ mới là sẽ tuyển người mới và sa thải người cũ. Do đó, dù có hỗ trợ từ Nhà nước hay Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hay không, doanh nghiệp vẫn phải làm. Còn doanh nghiệp luôn mong được hỗ trợ nhưng để tiếp cận được chính sách của Nhà nước rất khó, phải qua nhiều thủ tục, tốn thời gian, chi phí. Nên cần cứu mình trước khi chờ người khác cứu”, ông Dũng nói.
Theo vị chủ doanh nghiệp dệt may này, kể cả Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có đề xuất đơn giản hóa thủ tục, điều kiện, thì tiếp cận với doanh nghiệp cũng không hề dễ. Vị này dẫn chứng, để chứng minh được thế nào là đổi mới công nghệ không dễ, trong một dây chuyền có thể có bộ phận được đổi mới, bộ phận không. Chưa kể, việc đào tạo, hướng dẫn lao động sử dụng máy móc mới được thực hiện cùng sản xuất và vẫn tính công theo sản phẩm, vậy có phải là đào tạo lại?...
H.H (tổng hợp)