Nga, NATO và EU đồng loạt lên tiếng về đề xuất hòa bình của Trung Quốc. Ảnh minh họa: AP
Theo đài RT, Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/2 cho biết, Trung Quốc chân thành mong muốn một giải pháp ngoại giao cho xung đột ở Ukraine nhưng vẫn còn trở ngại chính là giới lãnh đạo Ukraine và các đồng minh phương Tây của Kiev. Trong khi đó, NATO và EU đưa ra lý do để bác bỏ đề xuất hòa bình của Bắc Kinh.
"Chúng tôi đánh giá cao mong muốn chân thành của những người bạn Trung Quốc trong việc đóng góp vào việc giải quyết xung đột ở Ukraine bằng biện pháp hòa bình", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bình luận về đề xuất hòa bình 12 điểm của Bắc Kinh.
Moscow còn đồng ý với quan điểm của Bắc Kinh rằng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua thì đều là "bất hợp pháp" và "là một sự cạnh tranh không lành mạnh cũng như một công cụ gây ra chiến tranh kinh tế".
Về vấn đề Ukraine, bà Zakharova cho biết: "Nga sẵn sàng thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao để đạt được mục đích của mình". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga còn đưa ra các tiêu chí cho "một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững".
"Các tiêu chí bao gồm phương Tây phải dừng cung cấp vũ khí, lính đánh thuê cho Ukraine; chấm dứt chiến sự, đưa Ukraine trở lại trạng thái trung lập; công nhận các thực tế lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý; phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine, cũng như loại bỏ tất cả các mối đe dọa phát sinh từ lãnh thổ Ukraine", bà Zakharova nói.
Tất cả công dân ở Ukraine, bao gồm cả những người nói tiếng Nga và các dân tộc thiểu số, cần được đảm bảo các quyền bất khả xâm phạm. Kiev phải chấm dứt "tất cả các biện pháp hạn chế và các vụ kiện bị chính trị hóa", bà Zakharova nói thêm.
Theo Bộ ngoại giao Nga, trở ngại chính cho hòa bình hiện nay là lệnh cấm đàm phán với ông Putin do chính quyền Kiev đưa ra cuối tháng 9/2022.
NATO và EU có phản ứng khác với Nga về xuất hòa bình của Trung Quốc.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Bắc Kinh "chưa đủ độ tin cậy" để đưa ra một kế hoạch hòa bình như vậy. Ông Stoltenberg cũng đề cập đến mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đưa ra phản ứng tương tự Tổng thư ký NATO. Bà Leyen cho rằng đề xuất hòa bình của Trung Quốc trên thực tế là một bộ nguyên tắc mơ hồ, không có ý nghĩa thực tiễn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu cáo buộc Trung Quốc ủng hộ Nga. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn phản bác những quan điểm như vậy và luôn tuyên bố duy trì quan điểm trung lập liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Một số nước thành viên EU cũng bày tỏ ý kiến về đề xuất hòa bình của Trung Quốc. Phát ngôn viên chính phủ Đức Wolfgang Buechner cho biết, đề xuất của Bắc Kinh có đề cập "một số yếu tố quan trọng" nhưng chưa đầy đủ. Cụ thể, ông Buechner cho rằng Bắc Kinh còn thiếu một yêu cầu đó là Nga phải rút quân khỏi Ukraine.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng đề xuất của Trung Quốc "có thể mở đường cho lộ trình hướng đến hòa bình". "Chúng ta không thể phớt lờ một đối tác và cường quốc như Trung Quốc", ông Duda nói.
Trung Quốc không lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cũng như không áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế với Moscow. Giới chức Trung Quốc nhiều lần nói rằng Bắc Kinh muốn tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Đề xuất hòa bình 12 điểm của Trung Quốc kêu gọi các bên trong xung đột ở Ukraine "giữ lý trí và kiềm chế", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế khuyến khích mọi nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng thù địch kéo dài 1 năm.
"Tất cả các bên nên hỗ trợ Nga và Ukraine cùng nhìn về một hướng và nối lại đối thoại càng nhanh càng tốt để dần hạ nhiệt căng thẳng và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện", đề xuất hòa bình của Trung Quốc nêu.
Nguyễn Thái - RT